Công an tỉnh Bắc Giang vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tân (SN 1983, trú tại phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, sau khi phát hiện cơ sở của đối tượng sử dụng chất kích thích tăng trưởng bị cấm trong sản xuất giá đỗ.
Cụ thể, từ tháng 1/2025 đến khi bị phát hiện, Nguyễn Văn Tân đã sử dụng 6-Benzylaminopurine – một loại hóa chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng cho thực phẩm – để kích thích tăng trưởng giá đỗ tại cơ sở sản xuất của mình. Mỗi ngày, cơ sở này cung ứng ra thị trường khoảng 500 kg giá đỗ, tổng cộng đến nay đã tiêu thụ khoảng 60 tấn sản phẩm vi phạm.
Qua kiểm tra đột xuất, lực lượng chức năng gồm Phòng Cảnh sát kinh tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Công an phường Thọ Xương đã thu giữ hơn 2 tấn giá đỗ thành phẩm cùng các dụng cụ và hóa chất dùng để sản xuất.
![]() |
Công an kiểm tra cơ sở sản xuất giá đỗ vi phạm của Nguyễn Văn Tân Ảnh: CABG |
>> Thực hư loại trứng gà ‘lạ’ gây bão mạng
Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Tân. Vụ việc đang tiếp tục được mở rộng điều tra.
6-Benzylaminopurine là chất kích thích sinh trưởng thực vật, thường dùng trong nông nghiệp để tăng sinh khối và kéo dài thời gian bảo quản. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất này trong sản xuất thực phẩm là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt khi không kiểm soát liều lượng và dư lượng hóa chất còn tồn tại trong sản phẩm.
Trước đó, tháng 12/2024 Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố và bắt tạm giam 4 đối tượng liên quan đến 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP. Buôn Ma Thuột. Các cơ sở này đã sử dụng 6-Benzylaminopurine để sản xuất hơn 20 tấn giá đỗ, có những sản phẩm còn được phân phối tại hệ thống của Bách Hóa Xanh. Hay mới đây, tháng 4/2025, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt tạm giam 4 đối tượng: Lưu Mạnh Hưởng, Lưu Văn Trung, Trần Khắc Duy và Nguyễn Văn Hướng, chủ các cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP. Vinh. Từ năm 2024 đến khi bị phát hiện, các cơ sở này đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 3.500 tấn giá đỗ cùng sử dụng loại hóa chất độc hại kia. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm cũng đã bị phát hiện tại Hưng Yên, Quảng Ngãi, Đồng Tháp,...
Vụ việc thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm trong sản xuất nông sản tươi sống, nhất là tại các cơ sở thủ công, không đăng ký kiểm định và không tuân thủ quy định vệ sinh an toàn. Người tiêu dùng được khuyến cáo nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên các kênh phân phối chính thống và được kiểm soát chất lượng.
>> Cảnh sát công bố hình ảnh thực phẩm chức năng giả của vợ chồng dược sĩ Hà Nội