Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh phiên 10/2, nhiều cổ phiếu theo đó rớt giá sâu. Điển hình, cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) bất ngờ “nằm sàn”, thị giá về 150.600 đồng/cp, mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua. Vốn hóa thị trường nhanh chóng "bay" gần 1.400 tỷ đồng sau 1 phiên, giảm về 18.340 tỷ đồng.
Trước đó, cổ phiếu VTP chứng kiến đà tăng mạnh từ hồi cuối tháng 10, thị giá nhanh chóng cao gấp đôi lên đỉnh lịch sử 170.000 đồng/cp chỉ sau 3 tháng. Từ đó tới nay, cổ phiếu VTP điều chỉnh khoảng 11% giá trị. Sau giai đoạn tăng "nóng", áp lực bán chốt lời của nhà đầu tư là khó tránh khỏi.
![Cổ phiếu "gã khổng lồ" logistics Việt Nam bất ngờ “nằm sàn”, vốn hóa mất 1.400 tỷ chỉ sau 1 phiên, điều gì đang diễn ra?- Ảnh 1. Cổ phiếu "gã khổng lồ" logistics Việt Nam bất ngờ “nằm sàn”, vốn hóa mất 1.400 tỷ chỉ sau 1 phiên, điều gì đang diễn ra?- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/10/screenshot-2025-02-10-160822-1739206307839-17392063079281102671426.png)
Nhân sự cấp cao biến động
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Viettel Post vừa quyết định miễn nhiệm Tổng Giám đốc Hoàng Trung Thành và Phó Tổng Giám đốc Cấn Long Giang. Đồng thời, Thượng tá Phùng Văn Cường được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật VTP kể từ ngày 6/2/2025.
Tân Tổng Giám đốc Phùng Văn Cường là người dày dạn kinh nghiệm trong hệ sinh thái Viettel. Trong suốt quá trình công tác, ông từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các đơn vị thành viên của tập đoàn này. Đến tháng 6/2019, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Viettel Cambodia, trước khi đảm nhận cương vị Tổng giám đốc Viettel Global từ tháng 9/2022.
Ở một diễn biến khác, ông Hoàng Trung Thành, người vừa rời vị trí Tổng giám đốc Viettel Post, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom).
Song song với việc thay đổi nhân sự cấp cao, Viettel Post đặt mục tiêu năm 2025 giữ vững thị phần số một trong lĩnh vực chuyển phát, đạt tốc độ tăng trưởng gấp 2-3 lần so với thị trường. Đồng thời, Tổng Công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng logistics, cung cấp giải pháp toàn trình cho dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới, hướng đến mục tiêu doanh thu tăng trưởng 35% so với năm 2024.
Về kết quả kinh doanh 2024, Viettel Post đạt 20.756 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 6% so với năm 2023, lợi nhuận giữ ổn định, đi ngang so với cùng kỳ và đạt gần 383 tỷ đồng.
Điểm sáng là trong quý IV/2024 doanh thu và lợi nhuận của Viettel Post tăng trưởng lần lượt 11,8% và 21,5% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 5.707 tỷ đồng và 130 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục của Viettel Post.
![Cổ phiếu "gã khổng lồ" logistics Việt Nam bất ngờ “nằm sàn”, vốn hóa mất 1.400 tỷ chỉ sau 1 phiên, điều gì đang diễn ra?- Ảnh 2. Cổ phiếu "gã khổng lồ" logistics Việt Nam bất ngờ “nằm sàn”, vốn hóa mất 1.400 tỷ chỉ sau 1 phiên, điều gì đang diễn ra?- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/5/s-aicmscdn-nhipsongkinhdoanh-vnnhom-doanh-nghiep-ho-viettel-bao-lai-ky-luc-viettel-global-thoat-lo-luy-ke67a1f9841d765-1738734866878-17387348669771894858599.png)
Lợi nhuận năm 2025 và 2026 dự báo tăng trưởng tích cực
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán SHS nhận định Viettel Post đang chuyển mình và bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Giai đoạn 2019-2023, VTP đạt mức tăng trưởng doanh thu kép hàng năm (CAGR) ấn tượng ở mức 25,8%. Theo dự báo của SHS, doanh thu và lợi nhuận của VTP sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2030, với CAGR lần lượt đạt 25,3% và 34%.
SHS cho biết công ty tiếp tục đầu tư vào hệ thống hạ tầng và công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh trong ngành.
Theo dự kiến, VTP sẽ phát triển các công viên logistics, trong đó có một trung tâm lớn cửa khẩu, hiện thực hóa chiến lược “Đưa cửa khẩu từ biên giới vào sâu trong nội địa” đã được công bố từ đầu năm.
Công viên Logistics Viettel Post kết hợp với dự án cửa khẩu thông minh cung cấp toàn trình giải pháp logistics bao gồm vận tải, kho bãi, thông quan, kiểm dịch, xuất - nhập khẩu… ngay trong nội địa. Như vậy, một chuỗi cung ứng khép kín cho logistics xuyên biên giới sẽ được hình thành, được kỳ vọng rút ngắn thời gian thông quan đến 40%, cải thiện hiệu suất kho bãi 30%, và giảm chi phí quản lý kho 25%.
Bước vào năm 2025, khi công viên logistics Lạng Sơn đi vào hoạt động, nhóm phân tích dự báo VTP sẽ có thêm nguồn thu từ hoạt động này qua các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai. SHS cho rằng, mặc dù Công viên Logistics Lạng Sơn là khoản đầu tư cơ sở hạ tầng đầu tiên, nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng logistics của VTP.
Mặt khác, VTP là doanh nghiệp logistics duy nhất tại Việt Nam đầu tư vào Myanmar, Cambodia, Lào sẽ là 3 thị trường đầu tiên VTP “Go global”. Với mục tiêu xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, kết nối giữa Asean - Việt Nam - Trung Quốc, kỳ vọng là bước tiến giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp Việt, trong đó có Viettel Post.
Dựa vào những phân tích trên, nhóm phân tích SHS kỳ vọng VTP sẽ giành thêm thị phần ở mảng dịch vụ chuyển phát, bắt đầu có nguồn thu từ mảng logistics sau khi thực hiện đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở mảng logistics và các giải pháp nâng cao công nghệ, tiết giảm chi phí. SHS dự báo lợi nhuận thuần năm 2025 và 2026 tăng trưởng bình quân 32%.
![Cổ phiếu "gã khổng lồ" logistics Việt Nam bất ngờ “nằm sàn”, vốn hóa mất 1.400 tỷ chỉ sau 1 phiên, điều gì đang diễn ra?- Ảnh 3. Cổ phiếu "gã khổng lồ" logistics Việt Nam bất ngờ “nằm sàn”, vốn hóa mất 1.400 tỷ chỉ sau 1 phiên, điều gì đang diễn ra?- Ảnh 3.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/1/6/screenshot-2024-12-31-160931-1735788119201-1735788119322866121337-1736177454003-17361774544871176941523.png)