Ngày 10-2, thị trường chứng khoán phiên đầu tuần gây thất vọng cho nhà đầu tư khi lao dốc mạnh. Thông tin về việc Tổng thống Donald Trump sẽ đánh thuế 25% tất cả mặt hàng thép, nhôm nhập khẩu vào Mỹ khiến nhóm cổ phiếu thép bị bán tháo, tác động tiêu cực thị trường. VN-Index đóng cửa giảm 11,94 điểm về mức 1.263,26 điểm; HNX-Index giảm 1,52 điểm còn 227,97 điểm, xóa thành quả phục hồi cả tuần trước đó.
Hai yếu tố tác động
Cụ thể, cổ phiếu ngành thép giảm tới 4,56% trước thông tin Mỹ công bố mức thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu. Trong đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bất ngờ bị bán tháo tới gần 1.600 tỉ đồng, rơi xuống thấp nhất 4 tháng.
Sắc đỏ bao phủ nhiều nhóm ngành, bất chấp nỗ lực phục hồi từ một số cổ phiếu dòng ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công… Điểm sáng là thanh khoản tăng mạnh cho thấy sự giằng co quyết liệt giữa bên mua và bên bán nhưng xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 20.952 tỉ đồng, tăng mạnh 42% so với phiên trước nhờ lực cầu bắt đáy.
Trên các diễn đàn đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự thất vọng khi VN-Index có sự phục hồi mạnh mẽ vào cuối phiên sáng, với sự khởi sắc đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công… "Tôi định nộp thêm tiền vào tài khoản để mua cổ phiếu ngành chứng khoán trong buổi sáng nhưng đến phiên chiều thị trường tiếp tục lao dốc. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư khác đã quyết định cắt lỗ dòng thép sau khi nhiều cổ phiếu lao dốc gần giá sàn" - anh Mạnh Nam (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) than.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam - phân tích có 2 yếu tố tác động tiêu cực tới thị trường là việc VN-Index đã chạm đỉnh cũ gần nhất tại 1.283 điểm đã tạo nên áp lực bán mạnh ở vùng này. Kế đến là việc nhóm cổ phiếu thép bị bán tháo mạnh trước thông tin Mỹ áp thuế 25% đã gây tác động tiêu cực tới toàn thị trường. Nhiều nhà đầu tư chạy khỏi nhóm cổ phiếu này sau khi đã nắm giữ từ năm ngoái tới nay không có lời. "Tạm thời, phiên giảm 10-2 chưa ảnh hưởng tới xu hướng của VN-Index khi nhóm cổ phiếu tài chính là ngân hàng, chứng khoán đang thu hút dòng tiền" - ông Thế Minh nói.
Kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường
Một diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán kể từ sau Tết tới nay là đà bán ròng của khối ngoại. Trong 6 phiên gần nhất, khối ngoại liên tục bán ròng, với tổng giá trị hơn 4.500 tỉ đồng, tập trung vào nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn như: MSN, VNM, FPT…
Ông Võ Kim Phụng, Trưởng phòng phân tích - Công ty Chứng khoán BETA, cho hay khối ngoại tiếp tục rút ròng hơn 441 tỉ đồng trong phiên ngày 10-2, duy trì xu hướng bán ròng liên tục trong thời gian qua, gây áp lực đáng kể lên thị trường. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể dao động trong biên độ rộng, khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế toàn cầu, bao gồm các quyết định về thuế và thương mại từ chính quyền Mỹ.
Thực tế, khối ngoại bán ròng trong suốt năm 2024 và kéo dài đà bán ròng từ đầu năm 2025 đến nay, bất chấp kinh tế vĩ mô của Việt Nam khởi sắc và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán. Điều mà nhiều người mong chờ lúc này là bao giờ nhà đầu tư nước ngoài ngừng bán và quay lại mua ròng ở thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Minh chỉ ra thực chất khối ngoại bán ròng thời gian qua tập trung vào một số mã cổ phiếu như MSN, FPT, VNM, VHM, VIC… Mỗi cổ phiếu có câu chuyện riêng. Như FPT sau chuỗi tăng liên tiếp trong năm 2024, đến nay việc nhà đầu tư chốt lời để cơ cấu danh mục là điều tất yếu. "Đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài có động thái mua vào và nắm giữ xuyên suốt cả năm nhiều cổ phiếu. Năm nay, thời điểm này khối ngoại có mua và bán mang tính chất cơ cấu danh mục đầu tư nhiều hơn, đà bán ròng đã giảm bớt nhiều. Lúc này cần quan sát là bao giờ họ mua ròng trở lại, phụ thuộc vào biến động của đồng USD, lợi suất trái phiếu Mỹ… Quý I hằng năm đều là quý giao dịch tích cực nhất của thị trường chứng khoán, và tôi cho rằng quý I/2025 cũng vậy, có thể có kịch bản VN-Index vượt vùng 1.300 điểm. Biến số lớn nhất và cũng khó đoán nhất là chính sách của Tổng thống Trump" - ông Thế Minh nói.
Nhìn dài hơn, các chuyên gia của Trung tâm phân tích - Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng trong năm 2025, dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam vẫn chịu nhiều yếu tố tác động trái chiều. Dòng vốn sẽ bị hạn chế bởi kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của Mỹ và áp lực tỉ giá USD/VNĐ, chính sách khó đoán dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump hoặc tiềm ẩn suy thoái kinh tế. Trong khi số lượng các cổ phiếu ở các nhóm ngành thu hút dòng tiền như công nghệ trên VN-Index khá hạn chế. "Điểm tích cực là tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 giúp cho việc rút ròng có thể được hạn chế. Lúc này, kỳ vọng việc khối ngoại quay lại thị trường Việt Nam trong năm nay sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell" - chuyên gia của SSI nói.
Phản ứng thận trọng
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9-2 tuyên bố kế hoạch áp thuế 25% lên tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, các chỉ số quan trọng trên thị trường châu Á - Thái Bình Dương như Topix của Nhật Bản, Nifty 50 của Ấn Độ, S&P/ASX 200 của Úc đều giảm điểm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu bắt đầu phiên giao dịch tuần mới với diễn biến tích cực khi hầu hết các chỉ số quan trọng tăng điểm như Stoxx 600, FTSE 100, DAX.
Thị trường tiếp tục phản ứng thận trọng sau khi các dữ liệu về tâm lý tiêu dùng và việc làm vừa được công bố tuần trước cho thấy lạm phát có dấu hiệu gia tăng, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt. Bà Lydia Boussour, chuyên gia kinh tế cấp cao tại EY-Parthenon, bộ phận tư vấn chiến lược toàn cầu của Công ty Kiểm toán và Tư vấn Ernst & Young (Anh), nhận định mức thuế quan cao và sự bất ổn gia tăng về chính sách áp thuế có thể thúc đẩy các doanh nghiệp ngày càng áp dụng chiến lược chờ đợi và hạn chế tuyển dụng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng suy thoái việc làm nghiêm trọng hơn, thu nhập suy yếu hơn và chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế trong bối cảnh lạm phát tăng cao hơn.
X.Mai