Có nên công khai số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội?

Rủi ro khi để lộ số tài khoản ngân hàng

Trong thời đại bùng nổ thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, để thực hiện các giao dịch chuyển khoản, người thụ hưởng cần cung cấp số tài khoản cho người chuyển tiền.

Việc công khai số tài khoản là hoàn toàn bình thường và sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Kẻ gian không thể sử dụng số tài khoản của khách hàng để lợi dụng lấy tiền, lừa đảo...

Tuy nhiên, khi người dùng để lộ những thông tin chi tiết khác liên quan đến tài khoản, như tên đăng nhập, mật khẩu, mã PIN, mã OTP... thì đối tượng xấu có thể đăng nhập, lấy cắp thông tin cá nhân, thực hiện các giao dịch chuyển khoản để lấy cắp tiền trong tài khoản.

Theo khuyến cáo của các ngân hàng, khi gặp tình huống này, khách hàng cần bình tĩnh xử lý đúng theo hướng dẫn của ngân hàng để hạn chế rủi ro.

Tuy nhiên, các ngân hàng khuyến cáo người dùng nên hạn chế công khai số tài khoản trên mạng xã hội.

Lý do, đã xuất hiện phương thức lừa đảo mới khi các đối tượng cố tình “chuyển nhầm” tiền vào một tài khoản, sau đó đưa ra một số tài khoản khác so với tài khoản đã “chuyển nhầm” trước đó.

W-ngân hàng SEA bank 2025 (96).jpgViệc người dùng để lộ số tài khoản có thể gặp rắc rối khi nhận được một số tiền từ tài khoản lạ. Ảnh: Hoàng Hà.

Điều này khiến nạn nhân mất tiền mà không có bằng chứng đã trả lại. Khi đó, nạn nhân sẽ gặp rắc rối "từ trên trời rơi xuống".

Nghiêm trọng hơn, đã có trường hợp đối tượng cố tình “chuyển nhầm” thuộc nhóm “tín dụng đen”.

Các đối tượng mặc nhiên coi số tiền đã chuyển vào tài khoản của nạn nhân là một “khoản vay” với lãi suất cắt cổ. Giao dịch thường được đối tượng ghi nội dung “cho vay”, hoặc “... cho...vay”,...

Vì vậy, lời khuyên của các ngân hàng là khi nhận được bất kỳ khoản tiền nào nghi ngờ là “chuyển nhầm” từ các số tài khoản lạ, hoặc có nội dung chuyển khoản bất thường, cần liên hệ với ngân hàng để được giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Nếu cố tình không trả lại số tiền đã “chuyển nhầm”, người nhận được tiền có thể bị xử lý hình sự nếu số tiền đủ lớn. Tuy nhiên, tuyệt đối không tự ý chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của người gửi.

Thay vào đó, nên liên hệ với ngân hàng để được hướng dẫn cụ thể, hoặc trả lại tiền trước sự chứng kiến của đại diện ngân hàng.

Người dùng thẻ tín dụng cần lưu ý gì?

Việc sử dụng tài khoản ngân hàng để mua sắm trực tuyến có thể tiềm ẩn nguy cơ bị mất thông tin và mất tiền trong tài khoản do lộ nhiều thông tin cá nhân quan trọng. Vì vậy, khách hàng nên thực hiện thanh toán và mua sắm tại các website uy tín để đảm bảo an toàn cho tài khoản của mình.

Một điểm cần lưu ý là ngân hàng không bao giờ chủ động liên hệ và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin, trừ khi khách hàng chủ động gọi điện đến hotline của ngân hàng.

Vì vậy, mọi hành vi cung cấp thông tin qua điện thoại đều là hành vi lừa đảo. Người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân khi có yêu cầu từ các cuộc gọi lạ.

Đối với người dùng thẻ tín dụng/thẻ thanh toán quốc tế, các ngân hàng khuyến cáo tuyệt đối không để lộ số thẻ, mã CVV, ngày hết hạn thẻ, họ tên chủ thẻ,...

Việc để lộ một trong các thông tin của thẻ đều có rủi ro. Tuy nhiên, mã CVV là yếu tố quan trọng nhất mà người dùng cần bảo mật. Mã CVV được dùng để xác minh thẻ Visa, bao gồm 3 chữ số được hiển thị ngay trên mặt sau thẻ thanh toán. Nếu kẻ gian biết được và ghi lại 4 thông tin bao gồm số thẻ, ngày hết hạn thẻ, họ tên chủ thẻ và mã CVV thì hoàn toàn có thể lấy tiền trong tài khoản để thực hiện giao dịch thanh toán, mua hàng online.

Ngân hàng khuyến cáo khách hàng nên bảo mật an toàn cho mã CVV này bằng cách ghi nhớ mã số và dùng vật cứng để làm mờ, xóa hoặc che lại toàn bộ cụm CVV để tránh bị lộ thông tin.

>> Không sử dụng số điện thoại làm tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, vì sao?