Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các Ngân hàng thương mại ngày 11/2/2025, chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ đã trình bày tham luận một số nội dung liên quan đến chủ đề tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và kiểm soát lạm phát năm 2025 với các giải pháp và kiến nghị để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững.
Về giải pháp, ông Vỹ cho biết, trong năm 2024 VIB đã có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt, đạt 21,52% và là một trong những ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong hệ thống. VIB tin tưởng sẽ thực thi tăng trưởng tín dụng 2025 cao hơn hoặc bằng con số của năm 2024 thông qua 5 giải pháp chính, cụ thể:
Thứ nhất, VIB tập trung mở rộng và cá thể hóa các dòng sản phẩm tín dụng nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao, ngày càng đa dạng của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Thứ hai, Ngân hàng mở rộng các phân khúc và cơ sở khách hàng tín dụng có chất lượng thuộc các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế, khách hàng cá nhân tiêu dùng, các ngành Sản xuất công nghiệp, Sản phẩm tiêu dùng, Xuất khẩu, Xây dựng hạ tầng, và các ngành là động lực tăng trưởng mới gồm Chuyển đổi số, Công nghệ thông tin, Năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Song song đó, VIB chủ động và linh hoạt cung cấp tín dụng cho các ngành sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Thứ ba, VIB chú trọng phát triển và thúc đẩy nền tảng Ngân hàng số trong lĩnh vực tín dụng; đơn giản hóa và tự động hóa các quy trình, thủ tục tác nghiệp, rút ngắn thời gian giao dịch trong hoạt động Đánh giá TSBĐ, Giải ngân vốn vay, Quản trị quan hệ khách hàng.
Thứ tư, VIB mở rộng mạng lưới kinh doanh vật lý từ 5% tới 10% số lượng chi nhánh và phòng giao dịch nhằm cung ứng tín dụng kịp thời hơn cho doanh nghiệp và người dân tại các địa bàn mới.
Thứ năm, ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ trên tổng thu nhập nhằm thực hiện chủ trương ổn định lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lạm phát.
Để có thể hỗ trợ cho việc tăng trưởng tín dụng thời gian tới, chủ tịch VIB cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.
Theo đó, Ngân hàng mong muốn hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ được hoàn thiện. Hiện việc xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn vướng mắc, khi Nghị quyết 42 chưa được luật hoá, gây rủi ro rất lớn cho ngành Ngân hàng. Ông Đặng Khắc Vỹ cho biết, VIB cũng như các ngân hàng tin tưởng khi quyền hợp pháp của chủ nợ được đảm bảo, ngành Ngân hàng sẽ tăng được khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp và người dân. Về phía các TCTD, sẽ mạnh dạn cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất phù hợp hơn, đồng nghĩa với việc chi phí tín dụng của người vay sẽ được tiết giảm, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt và của nền kinh tế.