Một doanh nghiệp ở Singapore từng huy động được 4,5 tỷ USD, doanh nghiệp Việt sẽ làm được nếu có trung tâm tài chính?

Việc thành lập trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng đánh dấu bước đi chiến lược, mở ra nhiều cơ hội mới để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính toàn cầu.

Chủ trương thành lập và vận hành Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại TP. HCM và TTTC khu vực tại Đà Nẵng thể hiện quyết tâm tạo bứt phá trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn chuyển giao công nghệ (đặc biệt là fintech và blockchain), Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để hiện thực hóa tham vọng xây dựng TTTC, tiếp bước phát triển của các nền kinh tế đi trước tại châu Á như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việc thành lập TTTC mang lại nhiều lợi ích cho cả các thành phố được lựa chọn và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Trước hết, TTTC sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn, thu hút dòng đầu tư quốc tế và phát triển thị trường tài chính nội địa. Việt Nam có thể đặt mục tiêu thu hút nhiều hơn các tổ chức tài chính từ danh sách Fortune 500, các ngân hàng quốc tế lớn trên thế giới, cũng như các quỹ đầu tư và công ty quản lý tài sản đến hoạt động và thành lập văn phòng.

Về mặt giao thương, TTTC sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt lợi thế xuất khẩu hàng hóa. Với các công cụ tài chính phái sinh (cổ phiếu, hợp đồng tương lai...), việc mua bán hàng hóa sẽ linh hoạt hơn, giúp tối ưu hóa dòng vốn và tăng tính thanh khoản của thị trường. Đây là tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư mạnh mẽ hơn trong tương lai. Nguồn thu từ thuế và các hoạt động tài chính cũng sẽ đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Các trung tâm này còn mở ra nhiều cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, công nghệ, và quản lý. Điều này góp phần nâng cao trình độ lao động và gia tăng năng lực cạnh tranh cho Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài ra, TTTC là bệ phóng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với môi trường kinh doanh thuận lợi và chính sách hỗ trợ phù hợp, các doanh nghiệp có thể thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư quốc tế, từ đó tự tin phát triển ý tưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh mà không gặp nhiều rào cản.

TTTC còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế thông qua việc niêm yết trên các sàn chứng khoán nước ngoài. Điển hình như trường hợp của Grab Holdings tại TTTC Singapore vào năm 2021, khi công ty đã huy động thành công 4,5 tỷ đô la Mỹ sau thương vụ hợp nhất với công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) Altimeter Growth.

Tuy nhiên, việc phát triển TTTC tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Để xây dựng thành công các TTTC, bảy vấn đề trọng tâm cần lưu ý:

Thứ nhất, tăng cường hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và bảo vệ nhà đầu tư. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng lòng tin và thu hút các tổ chức tài chính quốc tế. Hiện tại, Nhà nước đã có lộ trình cụ thể nhằm tạo ra nền tảng pháp lý rõ ràng và đồng bộ hơn.

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ ban hành và thực hiện tám nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay. Đồng thời thí điểm sáu nhóm chính sách thông dụng tại các TTTC lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Thứ hai, cần phát triển thị trường tài chính một cách toàn diện, bao gồm cả thị trường vốn, thị trường chứng khoán và các công cụ tài chính phái sinh. Việc tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn, khuyến khích phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại sẽ giúp thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ ba, tăng cường nguồn nhân lực. Các thành phố được lựa chọn cần đầu tư vào hệ thống giáo dục và đào tạo để phát triển lực lượng lao động chất lượng cao trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng và fintech. Việc đào tạo đội ngũ chuyên gia lành nghề sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Thứ tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Cơ sở hạ tầng phát triển tốt về giao thông, viễn thông và các dịch vụ tiện ích khác là yếu tố thiết yếu để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của hàng nghìn tổ chức tài chính lớn nhỏ quy tụ về trong tương lai.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao vị thế và khả năng kết nối của TTTC trên quy mô toàn cầu. Là TTTC quốc tế, TP. HCM cần đặc biệt lưu ý xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các TTTC quốc tế và các tổ chức tài chính lớn trên thế giới để nâng cao uy tín và khả năng hội nhập. Việc hợp tác quốc tế cũng giúp thành phố học hỏi và áp dụng các thông lệ tốt nhất trên thị trường toàn cầu.

Thứ sáu, thúc đẩy đổi mới fintech bởi đây là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của TTTC. TP.HCM và Đà Nẵng cần khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực fintech.

Thứ bảy, để thu hút nhà đầu tư quốc tế và cạnh tranh với các TTTC lớn trong khu vực như Singapore và Hồng Kông, Việt Nam cần phát triển năng lực cạnh tranh cốt lõi và tạo sự khác biệt cho trung tâm của mình. Điều này bao gồm việc xây dựng các lợi thế độc đáo và các điều kiện kinh doanh hấp dẫn hơn để khuyến khích dòng vốn quốc tế chuyển dịch về Việt Nam.

Việt Nam có thể tham khảo ý tưởng từ các chính sách thu hút nhà đầu tư từ các TTTC khác như việc Thụy Sĩ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các công ty fintech thông qua hỗ trợ hạ tầng và ưu đãi thuế, hay như việc Busan (Hàn Quốc) cung cấp các chính sách miễn thuế có điều kiện cho các tổ chức tài chính nước ngoài.

Việc triển khai các chính sách, chiến lược cần được thực hiện một cách cẩn trọng và có lộ trình cụ thể, chia thành nhiều giai đoạn phát triển phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời, cần phải xem xét kỹ lưỡng tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của các thành phố được lựa chọn để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của TTTC trong tương lai.