Theo nội dung công văn, cấp xã sẽ được phép trực tiếp chỉ đạo và tổ chức công tác tuyển dụng giáo viên mầm non theo biên chế, dựa trên số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, các xã cũng có quyền quyết định số lượng hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn. Điều này giúp đảm bảo các trường có đủ giáo viên để thực hiện đúng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đối với cấp Sở, Bộ GD&ĐT quy định rõ thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ như tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động giáo viên trong phạm vi quản lý của địa phương. Việc này thay thế cho mô hình cũ, vốn do phòng GD&ĐT cấp huyện phối hợp với ngành nội vụ và UBND cấp huyện, tỉnh thực hiện.
Sự thay đổi này không chỉ giúp đơn giản hóa quy trình hành chính, mà còn kỳ vọng sẽ nâng cao tính chủ động trong việc bố trí nhân sự của các cơ sở giáo dục, đồng thời giảm tình trạng thiếu giáo viên kéo dài ở một số địa phương.
![]() |
Cấp xã sẽ được phép trực tiếp chỉ đạo và tổ chức công tác tuyển dụng giáo viên mầm non theo biên chế. Ảnh minh họa |
>> Gần 43% người tìm việc nằm ở độ tuổi 30-39 trong 3 tháng đầu năm 2025
Một điểm mới đáng chú ý nằm trong dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội xem xét, đó là đề xuất cho phép các cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ sẽ có thể tự thực hiện việc tuyển dụng giáo viên. Trong trường hợp này, hiệu trưởng là người có toàn quyền trong việc quyết định nhân sự, từ đó tăng tính linh hoạt và sát thực tế trong việc lựa chọn đội ngũ sư phạm.
Còn đối với các trường ngoài công lập, thẩm quyền tuyển dụng vẫn thuộc về nhà trường, được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động riêng.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục trong việc điều động, bố trí và bổ nhiệm nhà giáo. Tùy theo thẩm quyền được giao, các cấp có thể chủ trì, tham mưu hoặc ra quyết định chính thức nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển đội ngũ giáo viên.
Một điểm nhấn quan trọng khác là phương thức tuyển dụng. Theo quy định mới, quá trình tuyển dụng giáo viên có thể thực hiện theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Tuy nhiên, dù chọn phương thức nào thì ứng viên bắt buộc phải trải qua khâu thực hành sư phạm – một bước kiểm tra năng lực thực tế nhằm bảo đảm người trúng tuyển đáp ứng yêu cầu chuyên môn và kỹ năng giảng dạy.
Bên cạnh đó, Luật cũng xác định rõ ba nhóm đối tượng được ưu tiên, đặc cách trong tuyển dụng. Thứ nhất là những người được đánh giá là giáo viên tài năng, bao gồm sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu trong văn hóa, nghệ thuật hoặc thể thao. Thứ hai là những người tình nguyện làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cùng các trường hợp tốt nghiệp theo diện cử tuyển hoặc hợp đồng đặt hàng với địa phương. Nhóm thứ ba là các giáo viên đã có hợp đồng lao động tại trường trong thời gian từ hai năm trở lên.
>> Người có chuyên môn Sư phạm Ngữ văn có thể vào công tác tại Bộ Công an