Một thực phẩm người Trung Quốc sáng tạo ra từ 2.000 năm trước đang mở ra thị trường ngách trị giá hàng tỷ euro tại châu Âu

Một món ăn vốn quen thuộc tại các khu chợ châu Á đang dần chiếm lĩnh các siêu thị và thực đơn của người tiêu dùng phương Tây: đậu phụ. Với nhu cầu protein thực vật gia tăng và xu hướng ăn ít thịt ngày càng phổ biến, đậu phụ đang bước vào thời kỳ bùng nổ tại thị trường châu Âu – vốn còn rất sơ khai và phân mảnh.

Công nghiệp hóa ngành đậu phụ tại châu Âu: Thị trường ngách với tiềm năng tỷ euro

Đậu phụ là thực phẩm phụ tiêu biểu có lịch sử 2.000 năm trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc và dần trở thành món ăn quen thuộc của Đông Nam Á. Hiện, món ăn này đang vươn lên thành biểu tượng mới cho xu hướng tiêu dùng bền vững và sức khỏe tại châu Âu.

Một thực phẩm người Trung Quốc sáng tạo ra từ 2.000 năm trước đang mở ra thị trường ngách trị giá hàng tỷ euro tại châu Âu
Đậu phụ có lịch sử hơn 2.000 năm tại Trung Quốc. Ảnh minh họa

>> Trung Quốc tìm ra bí quyết đẩy bật năng suất một loại quả, chiếm tới 60% sản lượng toàn cầu

Mới đây, New Original, một công ty thực phẩm có trụ sở tại Vienna (Áo), đã tiến một bước dài trong chiến lược mở rộng bằng cách mua lại một nhà máy sản xuất đậu phụ tại Đức, với quy mô khoảng 100 nhân viên. Song song đó, công ty cũng đã thâu tóm nhà sản xuất đậu phụ lớn nhất Slovakia, nhằm củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng và mở rộng hệ thống phân phối trên toàn lục địa.

Đây được xem là một động thái chiến lược nhằm đón đầu làn sóng tiêu dùng mới tại châu Âu – nơi mà đậu phụ chỉ mới thực sự trở nên phổ biến trong vài năm gần đây, chủ yếu nhờ ảnh hưởng tích cực từ ẩm thực châu Á và xu hướng ăn chay, giảm thịt cá đang ngày càng lan rộng.

Dù chỉ mới phát triển, thị trường đậu phụ châu Âu hiện có giá trị ước tính khoảng 400 triệu euro, nhưng tốc độ tăng trưởng lại rất ấn tượng, đạt từ 10% đến 20% mỗi năm. Giới chuyên gia nhận định, trong vòng 10 năm tới, đậu phụ hoàn toàn có thể trở thành một loại thực phẩm chủ lực, sánh ngang với thịt gà về mức độ phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người dân châu Âu.

Sự hấp dẫn của đậu phụ không chỉ đến từ giá trị dinh dưỡng – giàu protein, ít chất béo, dễ chế biến – mà còn vì tính bền vững và thân thiện với môi trường, một yếu tố đang được người tiêu dùng hiện đại đặc biệt quan tâm.

Thiếu hụt nguồn cung, thị trường còn bỏ ngỏ

Hiện tại, thị trường đậu phụ tại châu Âu vẫn rất phân mảnh, chưa có tên tuổi nào nổi bật nắm giữ vị thế dẫn đầu. Ngay cả tại châu Á – nơi đậu phụ ra đời và gắn liền với đời sống ẩm thực hàng ngàn năm – cũng chưa có thương hiệu quốc tế hóa mạnh mẽ nào vươn ra thị trường toàn cầu. Người tiêu dùng châu Á vẫn chủ yếu mua đậu phụ tươi ở chợ địa phương, thay vì sản phẩm đóng gói, chế biến sẵn. Điều này tạo ra một khoảng trống thị trường đáng kể, nhất là khi nhu cầu về protein thực vật tại châu Âu đang vượt xa nguồn cung hiện có.

Một thực phẩm người Trung Quốc sáng tạo ra từ 2.000 năm trước đang mở ra thị trường ngách trị giá hàng tỷ euro tại châu Âu
Món ăn châu Âu có sự xuất hiện của đậu phụ. Ảnh minh họa

Không dừng lại ở những miếng đậu bìa truyền thống như trong ẩm thực châu Á, thị trường châu Âu hiện đã có sự đa dạng hóa đáng kể về chất liệu và hình thức sản phẩm: đậu phụ được chế biến từ đậu nành, đậu hà lan, đậu gà, thậm chí từ hạt cây gai dầu. Về hình thức, người tiêu dùng có thể tìm thấy: đậu phụ mềm đóng hộp như tào phớ, đậu phụ hun khói, đậu phụ dạng sợi, đậu phụ ướp gia vị sẵn. Sự sáng tạo này không chỉ giúp phù hợp hơn với khẩu vị bản địa mà còn mở rộng ứng dụng của đậu phụ trong mọi bữa ăn, từ salad, món khai vị, món chính, cho đến súp và tráng miệng.

Sự lan tỏa mạnh mẽ của ẩm thực châu Á tại châu Âu cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc đưa đậu phụ đến gần hơn với người tiêu dùng phương Tây. Trên các tạp chí ẩm thực uy tín tại Pháp, Đức, Hà Lan hay Thụy Điển, không khó để tìm thấy các công thức nấu ăn sử dụng đậu phụ trong nhiều phong cách ẩm thực khác nhau.

Với dư địa tăng trưởng lớn và nguồn cung còn khan hiếm, đây sẽ là mảnh đất vàng cho các nhà sản xuất, đặc biệt là những thương hiệu đến từ châu Á – nơi món ăn này đã gắn bó hàng ngàn năm.

>> Sầu riêng Việt bị Thái Lan vượt mặt tại Trung Quốc, thêm mối nguy mới từ Lào