Theo BSKC II Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cơ sở 3), các loại rau gia vị phổ biến trong ẩm thực Việt Nam chứa nhiều hợp chất có lợi như kháng sinh tự nhiên, tinh dầu, flavonoid và các chất chống oxy hóa. Những hợp chất này giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, kích thích tiêu hóa, chống viêm và làm ấm cơ thể. Sử dụng đúng cách và đúng thời điểm sẽ phát huy tối đa công dụng của chúng trong việc bảo vệ sức khỏe.
Dưới đây là một số loại rau gia vị phổ biến và tác dụng phòng bệnh của chúng trong mùa lạnh:
Rau mùi ta, mùi tàu
Rau mùi ta (ngò ta) và mùi tàu (ngò gai) đều là những loại rau thơm quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. Rau mùi có vị cay, tính ấm, giúp tiêu hóa tốt, trị phong tà, thông đại tiểu tiện và hỗ trợ mọc sởi ở trẻ nhỏ. Trong khi đó, mùi tàu có vị the, tính ấm, giúp khử thấp nhiệt, thanh uế, kích thích tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường ruột. Hai loại rau này đặc biệt phù hợp để sử dụng trong các món canh hoặc ăn sống để tăng cường sức đề kháng.
Rau răm
Rau răm, còn gọi là thủy liễu hay hương lục, có vị cay, tính ấm và không độc. Loại rau này thường được sử dụng trong các món ăn như cháo lươn, trứng vịt lộn, gỏi gà hay các món hải sản để giảm bớt mùi tanh. Trong Đông y, rau răm có tác dụng kích thích tiêu hóa, trừ phong hàn và hỗ trợ điều trị đau bụng lạnh, cảm cúm nhẹ. Ngoài ra, loại rau này còn được dùng để chữa mụn trĩ, chàm ghẻ và giúp giảm tình trạng kém ăn trong mùa lạnh.
Lá lốt
Lá lốt thuộc họ hồ tiêu, thường mọc hoang hoặc được trồng trong vườn nhà. Đây là loại rau có công dụng làm ấm dạ dày, chữa đau bụng lạnh, đầy hơi, nôn mửa do thời tiết lạnh. Ngoài ra, lá lốt còn được dân gian sử dụng để chữa nhức mỏi xương khớp, bệnh phụ khoa, mồ hôi tay chân nhiều và viêm xoang. Đặc biệt, khi kết hợp với thịt bò hoặc cá trong các món ăn như chả lá lốt, canh lá lốt nấu thịt, loại rau này phát huy tác dụng giữ ấm cơ thể và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp.
![]() |
Trừ trái qua phải: Mùi ta, rau răm, húng chanh, mùi tàu, lá lốt, tía tô. Ảnh minh họa |
>> Loại rau nhúng lẩu quen thuộc, thị trường Mỹ đánh giá là 'siêu thực phẩm' có điểm dinh dưỡng cao nhất
Húng chanh
Húng chanh là loại rau có hương thơm đặc trưng, vị chua the, tính ấm và được xem là một trong những dược liệu quý trong việc điều trị cảm cúm, ho, viêm họng. Loại rau này có tác dụng kháng khuẩn, tiêu đờm, giảm sốt và làm dịu cổ họng. Người dân thường dùng lá húng chanh tươi hoặc sắc nước uống để giải cảm, chữa ho. Ngoài ra, tinh dầu húng chanh còn được ứng dụng trong sản xuất thuốc trị ho và cảm cúm.
Tía tô
Tía tô từ lâu đã được biết đến như một loại dược liệu quý trong y học cổ truyền. Loại rau này có hai loại: một loại mép lá phẳng, màu tía nhạt và một loại mép lá quăn, màu tía sẫm với mùi thơm nồng hơn. Tía tô có vị cay, tính ấm, giúp trị cảm lạnh, đầy bụng, nôn mửa. Đặc biệt, cành tía tô còn có tác dụng an thai, giảm đau và hỗ trợ điều trị hen suyễn. Người ta thường sử dụng lá tía tô để nấu cháo giải cảm hoặc pha nước uống để giúp cơ thể đổ mồ hôi, giải độc.
Để tận dụng tốt nhất công dụng của các loại rau gia vị trong mùa lạnh, cần lưu ý một số loại rau gia vị như rau răm, mùi ta, mùi tàu nên ăn tươi để giữ nguyên dưỡng chất. Trong khi đó, lá lốt và tía tô có thể nấu chín để tăng cường tác dụng giữ ấm.
Dù có nhiều lợi ích, nhưng sử dụng quá nhiều rau gia vị có thể gây kích ứng dạ dày hoặc tác dụng phụ. Ví dụ, rau răm nếu ăn quá nhiều có thể làm giảm ham muốn ở nam giới, còn tía tô dùng quá liều có thể gây mất nước.
Các loại rau gia vị nên được kết hợp với nhiều thực phẩm khác để bổ sung dinh dưỡng toàn diện và giúp cơ thể thích nghi tốt hơn với thời tiết lạnh.
>> Loại rau dại mọc đầy ở làng quê Việt Nam hễ bán là ra tiền: Rễ, thân, lá vừa làm gia vị vừa là dược liệu quý