Đánh thuế chênh lệch giá bất động sản: Nguy cơ ‘thuế chồng thuế’?

Trong hai tuần qua, thực hiện chỉ đạo từ Công điện 03/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.Hà Nội, TP.HCM đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và doanh nghiệp bất động sản siết chặt kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, thao túng giá. Các địa phương cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án có dấu hiệu sốt giá ảo.

Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản vẫn diễn biến phức tạp, giá bán tại một số phân khúc bị đẩy lên cao do hoạt động đầu cơ trục lợi. Nhằm hạn chế tình trạng này, Công điện của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm kiểm soát đầu cơ bất động sản.

Bộ Tài chính được giao xem xét phương án thu thuế phần chênh lệch giữa giá tính tiền sử dụng đất và giá bán sản phẩm bất động sản của các dự án, đồng thời đánh thuế phần chênh lệch qua các lần giao dịch chuyển nhượng. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng và Bộ Công an sẽ rà soát, kiểm tra tình trạng tăng giá bất thường tại các dự án, khu vực nóng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nhận nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng bất động sản, ngăn chặn nguy cơ các tổ chức tín dụng tiếp tay thao túng giá, tạo mặt bằng giá ảo gây bất ổn thị trường.

Đánh thuế chênh lệch giá bất động sản: Nguy cơ ‘thuế chồng thuế’?
Hình ảnh minh họa nguồn: Internet

Các chuyên gia đánh giá những chỉ đạo trên là cần thiết để bình ổn giá nhà đất, đảm bảo sự minh bạch và cạnh tranh công bằng trên thị trường. Tuy nhiên, đối với chính sách thuế, nhiều doanh nghiệp lo ngại nguy cơ “thuế chồng thuế”.

Hiện nay, bất động sản đã chịu thuế ở nhiều giai đoạn, bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ khi xác lập quyền sở hữu; thuế sử dụng đất trong quá trình khai thác; thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng khi chuyển nhượng. Nếu áp dụng thêm thuế trên phần chênh lệch giữa giá tính tiền sử dụng đất và giá bán, gánh nặng thuế có thể tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, mức thuế chuyển nhượng hiện tại là 2% trên tổng giá trị giao dịch cũng bị đánh giá là chưa hợp lý, do những người chịu lỗ vẫn phải đóng thuế. Các chuyên gia đề xuất áp dụng thuế lũy tiến theo thời gian sở hữu, tức là thời gian càng ngắn, thuế càng cao, nhằm đánh vào nhóm đầu cơ “lướt sóng”.

Một giải pháp được nhiều chuyên gia ủng hộ là thí điểm thành lập trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý. Trung tâm này sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, đảm bảo minh bạch thông tin, đẩy nhanh thanh khoản. Bộ Xây dựng và Bộ Công an sẽ phối hợp xác minh dữ liệu nhà đất, giúp ngăn chặn tình trạng kê khai giá thấp để trốn thuế. Tuy nhiên, để triển khai, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Về lĩnh vực tín dụng, các chuyên gia dự báo NHNN sẽ có những chỉ đạo mạnh hơn đối với các tổ chức tín dụng trong hoạt động cho vay thế chấp bằng bất động sản. Đồng thời, hệ thống ngân hàng sẽ được yêu cầu tăng cường xử lý nợ, đặc biệt là các khoản nợ có nguy cơ chuyển thành nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản.

Việc đánh thuế lãi đầu tư nhà đất hiện vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, song chắc chắn sẽ có tác động lớn đến thị trường bất động sản trong thời gian tới.

>> Cựu Chủ tịch công ty Vàng Phú Quý chỉ đạo che giấu hàng nghìn tỷ doanh thu nhằm trốn thuế