Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tích cực, bám sát kế hoạch lợi nhuận gần 1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng nhẹ, chạm ngưỡng 4,74%.
Trong 3 tháng đầu năm, VPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt gần 15.600 tỷ đồng, tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, tăng 20%, trong đó ngân hàng mẹ đóng góp 4.942 tỷ đồng.
Các công ty thành viên tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan: Chứng khoán VPBankS báo lãi gần 351 tỷ đồng (tăng 93%), FE Credit duy trì lãi gần 79 tỷ đồng và bảo hiểm OPES lãi hơn 94 tỷ đồng.
Nguồn thu chính – thu nhập lãi thuần – đạt gần 13.356 tỷ đồng, tăng 18%. Thu nhập từ lãi và các khoản thu tương tự đạt hơn 22.184 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi chỉ tăng 10,05%, giúp cải thiện biên lãi thuần.
Một số mảng đầu tư cũng có dấu hiệu phục hồi. Mảng chứng khoán kinh doanh chuyển từ lỗ 33 tỷ đồng quý I/2024 sang lãi 184 tỷ đồng. Hoạt động khác ghi nhận mức tăng trưởng đột biến gấp gần 4 lần, đạt 873 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số mảng ghi nhận suy giảm như lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 60,7%, còn 119 tỷ đồng; mảng chứng khoán đầu tư lỗ 135 tỷ đồng; thu nhập dịch vụ giảm 24,8% còn 1.169 tỷ đồng do chi phí tăng.
![]() |
>> Hai ngân hàng tư nhân sắp đạt mốc 1 triệu tỷ đồng tài sản trong năm 2025
Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 994.000 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cuối năm 2024. Quy mô tín dụng hợp nhất đạt hơn 747.000 tỷ đồng, tăng 5,2% và vượt xa mức tăng trưởng trung bình toàn ngành (3,93%). Trong đó, ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 663.000 tỷ đồng, tăng 5,4%.
Dư nợ cho vay cá nhân và hộ kinh doanh tăng nhẹ lên hơn 314.000 tỷ đồng, chiếm 43% danh mục tín dụng. Dư nợ khối doanh nghiệp cổ phần tăng mạnh lên gần 195.500 tỷ đồng, chiếm 26,8%.
Huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá đạt hơn 552.000 tỷ đồng, tăng 13%. Tổng huy động toàn hệ thống tăng 14,2%, đảm bảo nguồn vốn cho các kế hoạch tăng trưởng. Chi phí vốn (COF) tại ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát tốt ở mức 4,4%.
Tỷ lệ LDR và vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lần lượt ở mức 79,2% và 24,3%. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) tiếp tục duy trì ở mức cao, khoảng 15%.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng nợ xấu hợp nhất của VPBank tăng 19,1%, lên 34.611 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống nhích từ 4,2% cuối năm 2024 lên 4,74%. Cả ba nhóm nợ đều ghi nhận mức tăng.
Ở chiều ngược lại, VPBank tích cực xử lý nợ, ghi nhận thu từ nợ đã xử lý rủi ro đạt 850 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ tiếp tục được duy trì dưới 3%.
Về nhân sự, toàn hệ thống VPBank có 27.273 người, giảm 155 người so với đầu năm. Tuy nhiên, ngân hàng mẹ lại tăng 123 nhân sự. Chi phí bình quân cho mỗi nhân viên trong quý I đạt 33 triệu đồng/tháng, tăng 14,3%, chủ yếu do chi phí lương tăng 24,4%.
![]() |
Toàn hệ thống VPBank có 27.273 người, giảm 155 người so với đầu năm. (Ảnh: VPBank) |
Trong quý I, VPBank tiếp tục đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng AI, GenAI và Big Data vào các quy trình nghiệp vụ, nâng cao trải nghiệm người dùng.
Hệ sinh thái mở rộng của VPBank đang bao gồm các công ty thành viên như FE Credit, VPBankS, OPES và mới nhất là GPBank – ngân hàng vừa được hợp nhất đầu năm 2025. Tập đoàn hiện phục vụ hơn 30 triệu khách hàng.
Năm 2025, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2024. Tổng tài sản hợp nhất dự kiến đạt 1,13 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tăng 23%.
Ngoài kế hoạch kinh doanh, VPBank tiếp tục duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt năm thứ 3 liên tiếp, dự kiến chi gần 4.000 tỷ đồng – thể hiện cam kết đồng hành lâu dài với cổ đông.
>> Từ 16h ngày 29/4, một ngân hàng tạm dừng chuyển khoản thường liên ngân hàng trong 5 ngày, khách hàng cần lưu ý!