Sau quãng đi ngang trong vùng 1.200-1.280 điểm trong suốt quý 4/2024 và tháng đầu năm 2025, VN-Index đang tiến sát đến mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn quan ngại vì chỉ số đã nhiều lần "thất bại" trước ngưỡng cản này trong năm 2024.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định sự thất bại trong các lần tăng giá trước đến từ việc thiếu vắng sự góp mặt của các nhóm ngành chủ đạo (Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán, Vật liệu Xây dựng...) là những nhóm ngành chịu áp lực bán ròng lớn từ NĐT nước ngoài. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường chưa quay lại được mức bình quân giai đoạn 2020-2021.
Tuy xu hướng chủ đạo của thị trường vẫn là đi ngang, song ACBS cho rằng định giá P/E của VN-Index đã giảm xuống sau khi KQKD 2024 được cập nhật.

Theo đó, P/E VN30 vẫn duy trì ở vùng 12,x cho thấy kỳ vọng KQKD 2024 của các công ty vốn hóa lớn đã được phản ánh vào giá. P/E của các doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ (VNMID và VNSML) đang có mức tăng nhanh trong tháng 1/2025 so với P/E VN30 khi giá cổ phiếu các công ty này đang diễn biến tích cực hơn cho thấy nhà đầu tư có kỳ vọng triển vọng lợi nhuận năm 2025 của các cổ phiếu tích cực hơn.
Đặc biệt, định giá của các nhóm ngành trụ cột (Ngân hàng, Bất động sản, Vật liệu xây dựng, Chứng khoán...) vẫn đang ở vùng thấp so với năm 2024, trong khi lợi nhuận vẫn duy trì ổn định, đặc biệt là ngành ngân hàng – trụ cột lợi nhuận lớn nhất của VN-Index.

Một điểm tích cực là áp lực từ thương chiến đang tạm được hoãn lại khi giai đoạn tiếp theo –Mỹ công bố các loại thuế “đối ứng” – được tạm hoãn đến tháng 4 năm 2025. Điều này dẫn đến DXY đang giảm xuống và giúp áp lực lên tỷ giá giảm.
Đội ngũ phân tích kỳ vọng KQKD quý 1/2025 tăng tốt so với cùng kỳ - đóng góp bởi KQKD tích cực của ngành ngân hàng (dự báo tăng 15% svck). Các nhóm ngành BĐS KCN, xây dựng & cơ sở hạ tầng, Cảng biển, và Vận tải biển cũng có triển vọng lợi nhuận tích cực trong 2025.
Trong ngắn hạn, thị trường có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn nhưng sẽ là cơ hội tích lũy các cổ phiếu chiến lược. "Vùng dao động dự phóng của VN -Index trong 1 tháng tới là 1.220-1.300. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng rằng, triển vọng 2025 tích cực và tiềm năng nâng hạng trong năm nay sẽ là các chất xúc tác hỗ trợ thị trường chinh phục thành công ngưỡng 1.300 trong thời gian tới, và có thể tiến xa hơn về ngưỡng 1.420-1.450 điểm trong năm 2025", báo cáo ACBS nêu.

Về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành có triển vọng KQKD 2025 tích cực & định giá hấp dẫn. (1) BĐS KCN + Cảng biển, Vận tải biển với kỳ hưởng lợi nhờ thương chiến. (2) Xây dựng hạ tầng và dân dụng hưởng lợi từ đầu tư công. (3) Cổ phiếu trong danh sách nâng hạng thị trường (ngân hàng, bluechip). (4) Ngành điện (thuận chu kỳ thủy văn La Nina & tháo gỡ pháp lý cho mảng NLTT).