Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) diễn ra sáng ngày 18/4, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều biến động, đặc biệt sau động thái áp thuế đối ứng của Mỹ, nhiều cổ đông đặt câu hỏi về chiến lược kiểm soát nợ xấu của VietinBank.
Trả lời về vấn đề này, đại diện VietinBank thừa nhận, xu hướng chung hiện nay cho thấy nợ xấu và nợ tiềm ẩn đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn giữ quan điểm lạc quan khi cho rằng, nếu các nền kinh tế lớn đạt được các thỏa thuận kinh tế quan trọng, nguy cơ bùng phát nợ xấu trên diện rộng có thể được kiềm chế.
Dù vậy, năm 2025, VietinBank vẫn đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới ngưỡng 1,8% và nỗ lực duy trì ở mức khoảng 1,2-1,3%. Con số này cho thấy sự chủ động trong điều hành chất lượng tài sản, đi kèm với đó là kế hoạch trích lập dự phòng mạnh tay. Trong năm 2024, VietinBank đã chi tới 27.600 tỷ đồng cho trích lập dự phòng thể hiện sự chủ động và cũng là tiềm năng sinh lời trong tương lai.
>> Không chia cổ tức bằng tiền mặt: Lãnh đạo VietinBank nói gì trước chất vấn của cổ đông?
![]() |
Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình |
Đại diện VietinBank cho biết thêm, thu hồi nợ ngoại bảng là một trụ cột quan trọng tạo ra lợi nhuận hàng năm, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất. Năm vừa qua, VietinBank đã thu hồi xử lý rủi ro khoảng 8.000 tỷ đồng và kỳ vọng năm nay đạt khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về công tác quản trị rủi ro, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình nhấn mạnh, VietinBank luôn duy trì “khẩu vị tín dụng chặt chẽ”. Ngân hàng phân tích kỹ lưỡng từng ngành nghề, doanh nghiệp và bối cảnh thị trường để ra quyết định cấp tín dụng phù hợp, giảm thiểu tối đa rủi ro tiềm ẩn.
Đáng chú ý, VietinBank đang triển khai hệ thống nhận diện rủi ro bán tự động, tiến tới vận hành hệ thống cảnh báo sớm gần như hoàn toàn tự động. Khi có dấu hiệu bất thường, hệ thống sẽ lập tức cảnh báo để ngân hàng kịp thời cơ cấu khoản vay hoặc chuyển nhóm nợ – giúp hạn chế thiệt hại và xử lý rủi ro kịp thời.
Một chiến lược dài hơi khác của VietinBank là tái định hình mô hình tăng trưởng, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng – vốn đã cho thấy hiệu quả suy giảm theo thời gian.
Theo ông Bình, ngân hàng đang hướng tới mô hình tăng trưởng bền vững, trong đó tín dụng chỉ nên đóng góp 50% tổng lợi nhuận, phần còn lại đến từ hệ sinh thái dịch vụ tài chính bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ và các hoạt động thu phí.
Chuyển đổi số được xác định là một trong bốn động lực tăng trưởng chiến lược của VietinBank, kỳ vọng sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động, mở rộng nguồn thu ngoài lãi và tạo lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn tới.
>> Chủ tịch Trần Minh Bình: VietinBank sẽ là ngân hàng đầu tiên trong Big4 cắt giảm hàng trăm điểm giao dịch