Sau vụ xe ô tô điện bốc cháy nghi ngút trên cao tốc, chính phủ một quốc gia ra tiêu chuẩn mới về pin

Không còn là những cảnh báo mơ hồ sau mỗi vụ cháy nổ, Trung Quốc vừa có bước đi táo bạo: áp đặt tiêu chuẩn quốc gia yêu cầu pin xe điện không được phát nổ hay bắt lửa, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, kể cả khi mất kiểm soát nhiệt – tình trạng nguy hiểm bậc nhất trong công nghệ pin hiện nay.

Nếu trước đây, quy định chỉ yêu cầu hệ thống cảnh báo cháy tối thiểu 5 phút trước khi xảy ra sự cố, thì tiêu chuẩn mới GB38031-2025 do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) ban hành đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi: pin phải “sống sót” tuyệt đối, kể cả khi xảy ra hiện tượng "thermal runaway" – quá trình pin tăng nhiệt không kiểm soát, vốn là nguyên nhân chính gây cháy nổ.

>> Mẫu xe ô tô điện đến từ thương hiệu ô tô lớn ra bản nâng cấp: Giá chỉ 169 triệu, thiết kế đẹp nhìn ‘yêu luôn'

Với động thái này, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức luật hóa yêu cầu "không cháy nổ" ở cấp độ quốc gia. Một tiền lệ vừa mang tính công nghệ, vừa là đòn bẩy pháp lý, có thể làm thay đổi toàn cảnh ngành công nghiệp xe điện toàn cầu.

Sau vụ xe ô tô điện bốc cháy nghi ngút trên cao tốc, chính phủ một quốc gia ra tiêu chuẩn mới về tiêu chuẩn pin
Như vậy, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức luật hóa yêu cầu "không cháy nổ" ở cấp độ quốc gia. Ảnh minh hoạ

Tiêu chuẩn mới không chỉ nằm trên giấy. Một loạt thử nghiệm thực tế được đưa vào đánh giá gồm: Kiểm tra va chạm từ đáy xe: Một kịch bản thường bị bỏ qua nhưng cực kỳ nguy hiểm. Tiêu chuẩn yêu cầu pin phải chịu được va chạm từ dưới mà không gây sự cố.

Thử nghiệm sạc nhanh 300 chu kỳ: Sau hàng trăm lần sạc siêu tốc, pin vẫn phải an toàn trước nguy cơ đoản mạch và phát nổ.

Kiểm soát khói độc: Nếu xảy ra mất kiểm soát nhiệt, bất kỳ khí độc nào sinh ra phải không gây hại cho hành khách bên trong xe – một tiêu chí chưa từng có trong tiền lệ quốc tế.

Cuộc sàng lọc khắc nghiệt của ngành pin và xe điện

Quy định mới đang tạo ra một “phép thử” khốc liệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi nhiều đơn vị chưa kịp xoay sở, những ông lớn như CATL – nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới – đã nhanh chóng tuyên bố sẵn sàng.

Công nghệ No Propagation (NP) mà CATL phát triển từ năm 2020 cho phép cô lập sự lan truyền nhiệt trong pin, phù hợp hoàn hảo với yêu cầu mới.

“Chúng tôi tin rằng tiêu chuẩn này sẽ giảm thiểu đáng kể các vụ cháy nổ sau va chạm, nâng cao an toàn cho người tiêu dùng,” đại diện CATL khẳng định, đồng thời kêu gọi sự hợp tác sâu hơn giữa các nhà sản xuất xe và đơn vị cung cấp pin.

Việc nâng tiêu chuẩn đồng nghĩa với chi phí R&D tăng cao, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, lợi ích lâu dài không nhỏ: từ giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí bảo hiểm, cho đến việc củng cố lòng tin của người tiêu dùng – yếu tố then chốt trong bối cảnh xe điện vẫn đang phải đối mặt với nhiều hoài nghi.

Tiêu chuẩn mới được xem là phản ứng nhanh và cần thiết sau loạt vụ cháy xe gây lo ngại, đặc biệt là sự cố liên quan đến mẫu xe Xiaomi SU7 gần đây.

Với quy định mới, Trung Quốc không chỉ nâng tiêu chuẩn an toàn, mà còn gửi đi một thông điệp dứt khoát: an toàn không còn là lựa chọn, mà là bắt buộc. Trong cuộc đua công nghệ khốc liệt, đây có thể trở thành lợi thế chiến lược không chỉ cho các hãng xe nội địa, mà cho cả vị thế của quốc gia này trên bản đồ xe điện toàn cầu.

>> Quy định mới nhất về lỗi không xi nhan đối với ô tô, xe máy: Nếu bật sai có thể bị phạt lên đến 22 triệu đồng