Thặng dư thương mại, thu hút vốn FDI, khách du lịch quốc tế tăng, môi trường vĩ mô ổn định, chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt và phù hợp... là những yếu tố giúp tỷ giá USD/VND vượt qua áp lực và ổn định trong năm 2025.

Ảnh minh họa
Đó là nhận định của MBS Research tại báo cáo triển vọng vĩ mô tháng 2/2025 vừa công bố.
Phân tích về chỉ số USD Index (DXY), MBS Research cho biết, khởi đầu tháng 1/2025 ở mức 109,4 điểm, chỉ số DXY đã duy trì xu hướng tăng và thậm chí đạt mốc cao nhất trong 2 năm với 110 điểm vào ngày 13/1.
Đà tăng diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng vững chắc khi ngành sản xuất lần đầu tiên đạt tăng trưởng dương sau 2 năm với chỉ số PMI đạt mức 50,9 điểm trong tháng 1/2025, tăng trưởng việc làm cũng bất ngờ tăng tốc trong tháng 12/2024, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1% và tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 2,8% nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, đồng bạc xanh đã suy giảm sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức và xác nhận sẽ chưa áp thuế quan ngay trong ngày đầu tiên tại vị. Động thái này cho thấy định hướng của Mỹ trong việc sử dụng thuế quan như một công cụ để đàm phán và mong muốn đạt được thỏa thuận với các quốc gia khác. Do đó, quyết định này đã khiến chỉ số DXY giảm xuống mức 108 điểm vào ngày 21/1.
Đáng chú ý, mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể so với mức cao nhất trong 40 năm vào giữa năm 2022, nhưng vẫn là một thách thức đối với Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc tiếp tục cắt giảm lãi suất. Áp lực lạm phát vẫn kéo dài trong tháng cuối năm 2024, khi Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 2,6% trong tháng 12/2024, cao hơn mục tiêu 2% của FED.
Trước những tác động mà các chính sách của chính quyền mới có thể gây ra và rủi ro lạm phát kéo dài, các quan chức FED đã quyết định tạm dừng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 1/2025, sau 3 lần cắt giảm trong năm 2024. Theo đó, chỉ số DXY đã phục hồi nhẹ lên mức 108,4 điểm vào cuối tháng.
Từ những phân tích đó, MBS Research cho rằng, việc đồng USD suy yếu trong ngắn hạn đã giúp giảm đáng kể áp lực lên tỷ giá USD/VND. Cùng với những yếu tố khác hỗ trợ đồng VND như: lượng kiều hối gia tăng mạnh mẽ trong thời điểm Tết Nguyên đán, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức khá cao trong kỳ do thiếu hụt thanh khoản hệ thống khi nhu cầu chi tiêu tăng mạnh trong giai đoạn Tết Nguyên đán. Nhờ đó, tỷ giá liên ngân hàng giảm 1,6% xuống mức 25.082 VND/USD vào cuối tháng 1/2025. Tỷ giá thị trường tự do cũng có những diễn biến tương tự khi giảm về mức 25.500 VND/USD vào cuối tháng, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 24.325 VND/USD, giảm lần lượt 0,1% và 1% so với đầu năm 2025.
Tuy nhiên, MBS Research cũng chỉ ra, thách thức vẫn còn hiện hữu. Bởi gần đây, Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả các mức thuế mới mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, làm bùng phát trở lại căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Mỹ sẽ có thể áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada kể từ tháng 3 nếu các cuộc đàm phán không đạt được kết quả như mong đợi. Những rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan của Tổng thống Trump sẽ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD. Do đó, rủi ro tỷ giá USD/VND vẫn sẽ cần được chú ý trong thời gian tới.
Mặc dù áp lực chưa với nhưng các chuyên gia của MBS Research cũng chỉ ra rằng, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND như: Thặng dư thương mại tích cực (khoảng 3,03 tỷ USD trong tháng 1/2025), lượng vốn FDI giải ngân dồi dào (1,51 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (tăng 36,9% so với cùng kỳ trong tháng 1/2025).
"Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025”, MBS Research cho biết thêm.