Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, đặc biệt dưới nhiệm kỳ
Tỷ giá chịu áp lực từ lãi suất và thương mại, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát
Phát biểu tại sự kiện, ông Abel Lim – Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB (Singapore) – cho biết: “Hầu hết các đồng tiền châu Á đều suy yếu so với đô la Mỹ trong thời gian qua. VND cũng đã giảm xuống khoảng 25.600 đồng/USD vào đầu tháng 3/2025. Đà giảm này có thể tiếp diễn do sự chững lại của kinh tế Trung Quốc và khả năng Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam”.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Một số yếu tố có thể giúp giảm áp lực mất giá của VND, bao gồm triển vọng tăng trưởng nội địa mạnh mẽ và cam kết của Ngân hàng Nhà nước trong việc đảm bảo ‘ổn định tỷ giá’”.
![]() Ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB chia sẻ tại Hội thảo. |
Dự báo cập nhật của UOB cho thấy tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 25.800 trong quý 2, chạm 26.000 trong quý 3, sau đó giảm dần về 25.800 trong quý 4 và 25.600 trong quý 1 năm 2026. Theo ông Abel Lim, yếu tố chính thúc đẩy tỷ giá tăng là do “Mỹ hiện vẫn duy trì mức chênh lệch lãi suất đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác, điều này có thể khiến đồng USD phục hồi trong quý 2/2025 trước khi giảm trở lại vào quý 3/2025”.
Ngoài yếu tố lãi suất, ông Lim cũng cảnh báo về nguy cơ từ “cuộc chiến thương mại 2.0” dưới thời Trump, nhưng cho rằng: “Lần này có thể ôn hòa hơn so với giai đoạn 2018–2019. Chính sách thuế của Trump không chỉ nhắm vào Trung Quốc, mà còn mở rộng sang các đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như Việt Nam, Mexico, Canada”. Từ đó, Việt Nam cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó linh hoạt, tránh bị động trước những thay đổi bất ngờ của chính sách thương mại Mỹ.
Động lực nội địa: Tăng trưởng, đầu tư công và tiêu dùng làm trụ đỡ tỷ giá
Từ góc độ nội tại, ông Lê Thành Hưng – Giám đốc Đầu tư của UOBAM Việt Nam – nhấn mạnh: “Kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025 nhờ vào các yếu tố kích thích kinh tế trong nước như đầu tư công, tăng trưởng tín dụng và kỳ vọng phục hồi tiêu dùng trong nước và bất động sản”.
Theo ông Hưng, Chính phủ đã trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trị giá 875.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 36 tỷ USD) cho năm 2025, tăng mạnh so với mức giải ngân 568.000 tỷ đồng của năm 2024. Các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc – Nam (67,3 tỷ USD), sân bay Long Thành (16 tỷ USD) và nhà máy điện hạt nhân đang được xem là động lực chính thúc đẩy đầu tư công và lan tỏa sang toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý hai rủi ro lớn có thể tác động đến tỷ giá trong thời gian tới. Thứ nhất là khả năng Mỹ áp thuế làm giảm xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai là việc đồng đô la Mỹ mạnh lên sẽ tạo áp lực lên VND. Ông nhấn mạnh: “Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30% tổng kim ngạch và là nước có thâm hụt thương mại lớn nhất với Việt Nam”.
Để ứng phó, ông đề xuất: “Việt Nam nên tăng cường nhập khẩu từ Mỹ như khí LNG, máy bay, nông sản… để giảm thặng dư thương mại. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa và tăng trưởng tín dụng để duy trì đà phục hồi và tăng trưởng”. Những yếu tố này không chỉ giúp ổn định vĩ mô mà còn góp phần giảm áp lực mất giá đồng tiền, từ đó củng cố niềm tin thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp duy trì chi phí đầu vào ổn định.
Ngành bán dẫn và FDI: Đòn bẩy chiến lược giúp giữ vững đồng nội tệ
Một trụ cột dài hạn hỗ trợ tỷ giá được các chuyên gia UOB đặc biệt nhấn mạnh là làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn. Theo ông Lê Thành Hưng, triển vọng ngành bán dẫn Việt Nam là rất tích cực với loạt dự án lớn đã và đang cam kết đầu tư, như Amkor Technology (1,6 tỷ USD), Hana Micron (1 tỷ USD), Samsung (2,6 tỷ USD), cùng các dự án từ Marvell và Synopsys.
Đây là hệ quả từ việc Mỹ siết chặt chuỗi cung ứng công nghệ với Trung Quốc, tạo điều kiện để Việt Nam nổi lên như một mắt xích chiến lược trong mô hình “Trung Quốc cộng một”. Các dòng vốn FDI này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn cung cấp nguồn ngoại tệ dồi dào, giúp ổn định cán cân thanh toán và tạo vùng đệm cho tỷ giá trong bối cảnh quốc tế biến động.
Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn còn góp phần tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao. Đây chính là nền tảng dài hạn giúp Việt Nam củng cố nội lực kinh tế, nâng hạng tín nhiệm quốc gia và giữ vững vị thế của đồng nội tệ trên thị trường quốc tế.
Tổng kết lại, ông Abel Lim khẳng định: “Chúng tôi không quá bi quan với triển vọng của đồng VND, bởi Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô và có chính sách điều hành chủ động”. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa đầu tư công, tiêu dùng nội địa và thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ là “lá chắn ba lớp” giúp Việt Nam vượt qua sóng gió tỷ giá, bảo vệ sự ổn định của thị trường tài chính và duy trì đà phục hồi bền vững trong năm 2025.
>> USD liên tục 'tăng nhiệt' nhưng VND vẫn ổn định, NHNN đã làm cách nào?