Là một trong những quốc gia tiêu thụ lúa mì hàng đầu thế giới, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 5,7 triệu tấn lúa mì trong năm 2024, đạt gần 1,6 tỷ USD. Đáng chú ý, Ukraine – một trong những "ông lớn" xuất khẩu lúa mì toàn cầu – đã bất ngờ gia tăng mạnh lượng xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam, chiếm vị trí dẫn đầu trong danh sách các thị trường cung cấp lúa mì cho nước ta.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 367 nghìn tấn lúa mì, trị giá hơn 100 triệu USD, tăng 3,5% về lượng nhưng giảm 0,6% về kim ngạch so với tháng trước.
Tính chung cả năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 5,7 triệu tấn lúa mì, tương đương gần 1,6 tỷ USD, tăng mạnh 22,5% về lượng và 1,16% về kim ngạch so với năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình đạt 274 USD/tấn, giảm 17% so với năm trước.
Đặc biệt, Ukraine – một trong bốn cường quốc xuất khẩu lúa mì thế giới cùng với Nga, Mỹ và Canada – đã vươn lên trở thành thị trường cung cấp lúa mì lớn nhất cho Việt Nam. Trong năm 2024, Ukraine xuất khẩu tới 1,5 triệu tấn lúa mì sang nước ta, tương đương 384 triệu USD, tăng 145% về lượng và 130% về kim ngạch so với năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình từ thị trường này đạt 256 USD/tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ukraine – một trong bốn cường quốc xuất khẩu lúa mì thế giới cùng với Nga, Mỹ và Canada – đã vươn lên trở thành thị trường cung cấp lúa mì lớn nhất cho Việt Nam. Ảnh minh họa |
>> Lưỡi khoan 3.000 xuyên lòng đất, mở ra mỏ vàng châu báu nhờ... trí tuệ nhân tạo
Trước khi xung đột nổ ra vào năm 2022, Ukraine từng gieo trồng khoảng 6 triệu ha lúa mì vụ đông. Dù chịu nhiều tổn thất, quốc gia này vẫn duy trì sản lượng ổn định, đạt 22 triệu tấn trong năm 2024, tiệm cận mức trung bình 25-28 triệu tấn trước chiến sự. Trong đó, lúa mì vụ đông chiếm tới 95% tổng sản lượng hàng năm của Ukraine.
Ngoài Ukraine, Australia là nhà cung cấp lúa mì lớn thứ hai cho Việt Nam trong năm 2024 với 1,2 triệu tấn, tương đương hơn 362 triệu USD. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ quốc gia này giảm mạnh 55,8%, kim ngạch cũng giảm 60,8% so với năm 2023. Giá lúa mì Australia trung bình đạt 302 USD/tấn, giảm 12% so với năm trước.
Thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam là Brazil, với 1,17 triệu tấn, trị giá 293,14 triệu USD. Đáng chú ý, nhập khẩu từ Brazil tăng vọt 348% về lượng và 205,5% về kim ngạch so với năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình từ thị trường này giảm mạnh 32%, chỉ còn 250 USD/tấn.
Trước đó, trong năm 2023, Việt Nam đã chi 1,9 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 5,5 triệu tấn lúa mì, phục vụ nhu cầu sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước.
Lúa mì là một trong những loại ngũ cốc quan trọng nhất thế giới, chỉ đứng sau ngô và gạo về sản lượng. Đây cũng là nguyên liệu chính để sản xuất bánh mì, mì sợi, bánh kẹo, bia, rượu và thậm chí là nhiên liệu sinh học.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, lúa mì nhập khẩu chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp. Do Việt Nam không trồng lúa mì, nguồn cung trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Việc giá lúa mì nhập khẩu giảm hơn 20% trong năm 2024 đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh nhập khẩu, đặc biệt là từ Ukraine – quốc gia đang có nhu cầu mở rộng thị trường sau những biến động địa chính trị.
>> Mỹ tăng mua, Trung Đông cũng tích cực gom hàng: Doanh thu một loại thực phẩm đóng hộp của Việt Nam lập đỉnh lịch sử