TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng tiêu dùng năm 2024 tăng 10,4%

Đến cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 1.111,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,2% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 10,4% so với năm 2023.

Đến cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 1.111,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,2% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 10,4% so với năm 2023.

Phân tích đánh giá về hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn trong năm 2024, dưới góc độ những kết quả tích cực có ý nghĩa định hướng và làm cơ sở nền tảng để tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố, có thể thấy như sau:

Thứ nhất, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng trở lại. Nếu đặt mối liên hệ so sánh với năm 2023 (là năm tín dụng tiêu dùng tăng trưởng thấp nhất, chỉ tăng 6,9%), thì năm 2024, tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng trở lại, đạt mức 10,4%. Trong đó, cho vay trung dài hạn, cho vay mua, thuê mua, xây dựng và sửa chữa nhà để ở vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 61,3% trong tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng.

Thứ hai, tín dụng đáp ứng nhu cầu chi tiêu và chi phí cho mục đích tiêu dùng tăng trưởng cao nhất. Đến nay, dư nơ cho vay mua đồ dùng và trang thiết bị gia đình đạt gần 160 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,2% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng và tăng 35,9% so với năm 2023. Kết quả này, phản ánh xu hướng tích cực do nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng tăng và việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng lĩnh vực này sẽ kích thích sản xuất doanh phát triển, qua đó thúc đẩy các hoạt động thương mại,dịch vụ và kinh tế tăng trưởng, phát huy vai trò động lực tăng trưởng của tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng.

Thứ ba, dịch vụ thẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng ngày càng phát triển, góp phần đa dạng hóa sản phẩm tín dụng tiêu dùng có hiệu quả. Theo đó, dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng tiếp tục tăng trưởng tốt, tăng 22,8% và chiếm tỷ trọng 10,4%. Sự tiện ích và chất lượng dịch vụ cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng tiêu dùng phục vụ chi tiêu mua sắm của khách hàng, chính là yếu tố thúc đẩy dịch vụ này tăng trưởng và có tiềm năng phát triển trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng tiêu dùng của các TCTD trên địa bàn.

Những kết quả về hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố trong năm 2024, cùng với định hướng tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội năm 2025 cũng như các giải pháp về tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, trong đó có lĩnh vực tiêu dùng, sẽ là cơ sở nền tảng để tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2025 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.