Thủ tướng họp khẩn, chuyên gia hiến kế 3 ‘chiêu’ vượt sóng thuế: Đòn bẩy cải cách đang đến gần

Sau sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4, từ ngày 5/4 toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu mức thuế cơ bản 10%. Đặc biệt, từ ngày 9/4, các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ sẽ bị áp thuế đối ứng cao hơn – trong đó Việt Nam đứng thứ hai thế giới với mức 46%, chỉ sau Campuchia (49%).

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp khẩn với sự tham dự của ba Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành trọng yếu như Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, để bàn giải pháp chiến lược ứng phó tức thì.

Thủ tướng họp khẩn, chuyên gia hiến kế 3 ‘chiêu’ vượt sóng thuế: Đòn bẩy cải cách đang đến gần
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về mức thuế đối ứng của Mỹ. Ảnh: TTXVN.

Cú sốc thuế 46% và những ảnh hưởng tới nền kinh tế

Dữ liệu từ KBSV cho thấy khoảng 50% GDP và việc làm của Việt Nam gắn trực tiếp hoặc gián tiếp với xuất khẩu. Trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu – tương đương 136,6 tỷ USD năm 2024. Nếu xuất khẩu sang Mỹ giảm 20–30%, GDP Việt Nam có thể thiệt hại 1,5–2%, thậm chí cao hơn nếu tác động lan sang tiêu dùng nội địa và đầu tư nước ngoài.

Về tỷ giá, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường tại Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo, nếu xuất khẩu giảm mạnh trong khi Việt Nam tăng nhập khẩu hàng Mỹ để xoa dịu thặng dư, cán cân vãng lai sẽ thu hẹp, gây áp lực lên tỷ giá. Ông nhận định: “Tỷ giá USD/VND có thể tăng 3–5%, buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp bằng dự trữ ngoại hối, đồng thời làm dấy lên kỳ vọng lạm phát". Trong bối cảnh này, chính sách tiền tệ và tài khóa cần được phối hợp linh hoạt để bảo vệ các cân đối vĩ mô.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng, đây không phải là thời điểm bi quan. “Tin xấu nhất đã lộ diện, thị trường đã phản ứng đủ mạnh. Giờ là lúc chúng ta hành động với tốc độ cao hơn để gửi đi tín hiệu cải cách và ổn định", ông khẳng định. Quan điểm này cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa điều hành chính sách hiệu quả nếu tận dụng đúng thời cơ.

Đòn bẩy đàm phán: Chủ động, thiện chí và khéo cân bằng lợi ích

GS.TS Vũ Minh Khương – giảng viên cao cấp tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) nhận định: “Mức thuế 46% chưa phải là hồi kết, mà là mức trần để khởi động đàm phán song phương. Nếu Việt Nam thể hiện thiện chí, kết quả có thể rất khác". Theo ông, Việt Nam có chưa đầy một tuần để đưa ra những bước đi chiến lược, đủ sức thuyết phục Washington điều chỉnh chính sách.

Giải pháp đầu tiên theo GS. Khương là đàm phán thương mại song phương theo mô hình USSFTA. Ông chỉ rõ: “Việt Nam hiện vẫn áp thuế nhập khẩu trung bình 9,4% với hàng hóa Mỹ – cao hơn gấp ba lần mức MFN trung bình 3,3% của Mỹ. Đây là điểm bất cân xứng rõ ràng khiến Mỹ phản ứng". Do đó, việc chủ động giảm thuế, đối xử với Mỹ như một đối tác FTA thực thụ sẽ mở ra cánh cửa đàm phán thực chất hơn.

Thứ hai, Việt Nam cần cải cách cơ cấu xuất khẩu. Theo GS. Khương, nền kinh tế phải thoát khỏi phụ thuộc gia công giá trị thấp, chuyển sang phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Đây là giải pháp lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh và tránh bị tổn thương bởi các rào cản thương mại tương lai.

Thứ ba, ông đề xuất Việt Nam đẩy mạnh khai thác các FTA đa phương như CPTPP, EVFTA, RCEP nhằm phân tán rủi ro. “Đa dạng hóa thị trường là chiến lược sống còn để tăng khả năng kháng sốc và đảm bảo vị thế chủ động trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông nhấn mạnh. Các bước đi này không chỉ giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng hiện tại, mà còn củng cố nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn.

Ngành nào vững vàng – ngành nào tổn thương: Tái định vị chuỗi giá trị xuất khẩu

Theo SSI Research, hai lĩnh vực được đánh giá là “bình yên trong bão thuế” là ngành điện và ngân hàng. Với đặc thù gắn với nhu cầu nội địa và đầu tư công – vốn đang được thúc đẩy mạnh mẽ, đây là những ngành có khả năng hồi phục tốt. Ngân hàng còn hưởng lợi từ định hướng tín dụng ưu tiên, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hướng thị trường.

Ngược lại, nhóm ngành dễ tổn thương nhất gồm dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ và thủy sản – chiếm tới 64,3% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Theo TS. Cấn Văn Lực, đây là các ngành sử dụng nhiều lao động, phụ thuộc sâu vào thị trường Mỹ, nên cú sốc thuế có thể gây sụt giảm đơn hàng, sa thải và gián đoạn chuỗi cung ứng. Dữ liệu từ VIS Rating cho thấy: May Sông Hồng xuất 80% sang Mỹ, TNG là 46%, Savimex 50%, Dệt May Thành Công 25% – tất cả đều đối diện rủi ro lớn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Duy – CFA, Giám đốc phân tích cao cấp tại VIS Rating, tác động có thể phân hóa mạnh theo từng doanh nghiệp. “Các công ty FDI lớn trong lĩnh vực điện tử có thể điều chuyển sản xuất, còn doanh nghiệp nội địa trong ngành dệt may, gỗ và thủy sản thì dễ bị tổn thương hơn". Dữ liệu cũng cho thấy việc tái cơ cấu ngành hàng, đào tạo lại lao động và chuyển hướng thị trường sẽ là chìa khóa quan trọng để duy trì tăng trưởng.

Ngoài ra, ông Phạm Lưu Hưng kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu Việt Nam duy trì môi trường đầu tư minh bạch và ổn định. “Việc cho phép thử nghiệm Starlink, giảm thuế 14 mặt hàng nhập từ Mỹ và trình dự thảo Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược là các bước đi thể hiện thiện chí rõ ràng", ông đánh giá. Điều này sẽ góp phần giữ chân các nhà đầu tư dài hạn, đồng thời củng cố niềm tin thị trường.

Từ rủi ro đến cải cách: Cánh cửa đàm phán đã mở, Việt Nam sẵn sàng bước qua

Theo ông Phạm Lưu Hưng, mức thuế 46% chỉ là “trần đàm phán” chứ không phải mức thuế cố định. “Nếu Việt Nam hành động khôn ngoan và kiên trì, mức thuế thực tế có thể giảm xuống còn 10–15%, giống như kịch bản USSFTA với Singapore". Đây là lý do để Việt Nam chủ động và tự tin trong thương lượng.

Hơn nữa, các chuyên gia quốc tế cho rằng Mỹ cũng không muốn kéo dài chính sách này, bởi chi phí sẽ rơi vào người tiêu dùng nội địa – vốn đang nhạy cảm với giá cả. Nhiều tập đoàn Mỹ như Nike, Wayfair, Deckers và Hasbro đều phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam, nên chính họ cũng sẽ thúc đẩy tiến trình đàm phán nhằm giảm chi phí sản xuất.

Đồng thời, các chính sách tài khóa – tiền tệ vẫn còn dư địa mạnh mẽ. Theo chuyên gia, Việt Nam có thể hạ lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm %, mở rộng cung tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu, tăng giải ngân đầu tư công lên mức 30% trong nửa đầu năm 2025. Những biện pháp này sẽ tạo “đệm vĩ mô” để giữ ổn định tăng trưởng và củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.

Việt Nam đã từng vượt qua đại dịch, ứng phó chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, chống đỡ biến động tỷ giá và duy trì xuất siêu bền vững. Nay, cánh cửa đàm phán vẫn rất rộng, và Việt Nam cần bước qua với một chiến lược đủ dài hơi, một tầm nhìn đủ sâu và một ý chí cải cách đủ mạnh để vươn mình trở thành điểm sáng mới của thương mại toàn cầu.

>> Góc nhìn chuyên gia: Chứng khoán đỏ lửa sau tin nóng, NĐT cần hành động như thế nào?