Bỏ ngoài sổ sách 2.090 tỷ đồng doanh thu
Như đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 25 bị can trong vụ án buôn lậu, trốn thuế xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Công ty Vàng bạc Phú Quý và các đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, ông Lê Xuân Tùng (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vàng Phú Quý) và bà Lê Thúy Quỳnh (cựu Kế toán trưởng Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý) bị đề nghị truy tố về tội Trốn thuế.
Theo kết luận điều tra, Công ty Cổ phần đầu tư Vàng Phú Quý có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, đặt trụ sở chính ở phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất kim loại màu, kim loại quý, gia công cơ khí, xử lý tráng phủ kim loại, buôn bán vàng bạc.
Để dễ dàng quản lý việc mua bán vàng thực tế hàng ngày và hạch toán kế toán, Công ty Vàng Phú Quý đã sử dụng 4 phần mềm. Trong đó, phần mềm ERP dùng để theo dõi nhập, xuất, mua, bán vàng nguyên liệu, vàng mỹ nghệ (như vàng SJC, nhẫn tròn trơn, tượng con giáp...).
Phần mềm Jewelry dùng để quản lý mua, bán vàng trang sức. Hai phần mềm kế toán Misa và FAST sử dụng để hạch toán các giao dịch mua bán, phân bổ các chi phí, tập hợp chi phí để báo cáo thuế, tài chính.
![Thủ đoạn bỏ ngoài sổ sách hơn 2.000 tỷ đồng của Chủ tịch Công ty Vàng Phú Quý- Ảnh 1. Thủ đoạn bỏ ngoài sổ sách hơn 2.000 tỷ đồng của Chủ tịch Công ty Vàng Phú Quý- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/14/phuquy-1739518971640542447084-1739523547012-1739523547446771819438.jpg)
Lê Xuân Tùng và Lê Thúy Quỳnh. Ảnh: Bộ Công an
Cơ quan điều tra cáo buộc, Lê Xuân Tùng đã chỉ đạo nhân viên kinh doanh ghi nhận toàn bộ hoạt động mua bán lên phần mềm ERP, Jewelry. Đồng thời, ông Tùng chỉ đạo hai kế toán cập nhật một phần số liệu vào phần mềm kế toán Misa hoặc FAST để phục vụ việc báo cáo, kê khai thuế. Các số liệu được nhập theo hướng không đưa vào một số giao dịch không có hoá đơn, chứng từ, chỉ hạch toán các hoạt động mua bán có hoá đơn.
Công an cho biết, kết quả trích xuất dữ liệu phần mềm ERP và Jewelry cho thấy, năm 2021, Công ty Vàng Phú Quý có doanh thu bán ra thực tế là hơn 3.951 tỷ đồng, doanh thu mua vào là hơn 3.884 tỷ đồng, phải nộp thuế GTGT hơn 6,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế TNDN là hơn 50 tỷ đồng, số thuế TNDN phải nộp là hơn 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, số liệu tại Cục thuế Hà Nội cho thấy, năm 2021, Công ty Vàng Phú Quý có doanh thu bán ra chỉ hơn 1.860 tỷ đồng (tức thấp hơn doanh thu thực tế 2.090 tỷ đồng), doanh thu mua vào là hơn 1.815 tỷ đồng, đã nộp thuế GTGT hơn 4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là hơn 31 tỷ đồng, số thuế TNDN đã nộp là hơn 6 tỷ đồng.
Giám định viên Cục thuế Hà Nội có kết luận giám định cho rằng, Công ty Vàng Phú Quý có hành vi bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp là vi phạm Luật Quản lý thuế.
Ngoài ra, Công ty Vàng Phú Quý kê khai không trung thực, bán hàng không xuất hóa đơn, không kê khai thuế GTGT hàng hóa bán ra, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước năm 2021 là hơn 2 tỷ đồng; để ngoài sổ sách kế toán đối với doanh thu, chi phí khi hạch toán kế toán để xác định thuế TNDN, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 3,9 tỷ đồng. Tổng số tiền thiệt hại về thuế cho Ngân sách Nhà nước là hơn 6 tỷ đồng.
Lược bỏ giao dịch để giảm doanh thu
Tại CQĐT, bị can Lê Xuân Tùng thừa nhận hành vi sai phạm, có lời khai phù hợp với diễn biến hành vi phạm tội.
Ông Tùng khai, hành động mua, bán vàng của Công ty Vàng Phú Quý có 3 nguồn: Vàng SJC, vàng Phú Quý, vàng thị trường mua của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, khách hàng cá nhân thường giao dịch bằng tiền mặt và không xuất hóa đơn chứng từ.
Vì vậy, ông Tùng đã chỉ đạo người khác ghi nhận trên phần mềm kế toán Misa đối với các giao dịch có hóa đơn chứng từ, dẫn đến việc kê khai không đúng thuế GTGT hàng hóa, doanh thu, xác định thuế TNDN phải nộp.
Sau khi được kế toán trưởng báo cáo có chênh lệch lớn về dữ liệu trên hai phần mềm, trong năm 2022 và 2023, ông Tùng đã chỉ đạo kế toán trưởng điều chỉnh lại cho khớp dữ liệu để không bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại CQĐT, bà Lê Thúy Quỳnh thừa nhận việc được ông Lê Xuân Tùng chỉ đạo phải cân đối số liệu, lược giảm số liệu doanh thu đã được ghi nhận trên phần mềm ERP, phần mềm Jewelry ra file Excel và thực hiện cân đối số liệu, lược giảm các giao dịch mua, bán vàng, ưu tiên các giao dịch có thanh toán qua tài khoản, khách lẻ có xuất hóa đơn.
Nhân viên kế toán của Công ty Vàng Phú Quý là bà Bùi Thị Thùy Linh cũng có lời khai rằng, theo chỉ đạo của ông Tùng, bà Quỳnh, bà Linh được truy cập vào phần mềm ERP, Jewelry để theo dõi các giao dịch mua, bán các loại vàng của Công ty Vàng Phú Quý.
Sau đó, bà Quỳnh là người lựa chọn xuất file dữ liệu liên quan đến giao dịch mua và bán trên ERP, phần mềm Jewelry thành dạng file excel, thực hiện kiểm tra, điều chỉnh số liệu kế toán, lược giảm các giao dịch và giảm số tiền giao dịch để doanh thu thấp hơn với số liệu thực tế trên ERP, phần mềm Jewelry.
Sau khi hoàn thiện chỉnh sửa nêu trên, bà Quỳnh chuyển file dữ liệu đã chỉnh sửa cho bà Linh để cập nhật đưa vào phần mềm kế toán Misa, đồng thời chỉ đạo bà Linh xuất hóa đơn điện tử bán hàng.