Thu 110 tỷ, chỉ bồi thường 4,4 tỷ: Lãi gần như tuyệt đối từ xe máy
Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đang đối mặt với hàng loạt chỉ trích từ Bộ Tài chính sau kết luận thanh tra vừa công bố. Cơ quan giám sát ngành bảo hiểm chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và công tác trích lập dự phòng nghiệp vụ.
Đáng chú ý, riêng trong nghiệp vụ bảo hiểm xe máy – một lĩnh vực phổ biến và bắt buộc đối với người dân – VNI thu về hơn 110 tỷ đồng trong năm 2023 nhưng chỉ chi bồi thường vỏn vẹn 4,4 tỷ, tương đương tỷ lệ bồi thường dưới 4%.
Theo kết luận thanh tra, báo cáo tình hình triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của VNI trong năm 2023 không đúng mẫu quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP, đồng thời không có số liệu về xe mô tô dưới 50cc và xe máy điện – hai phân khúc phương tiện rất phổ biến.
Ngoài ra, VNI bị phát hiện cấp giấy chứng nhận bảo hiểm (GCNBH) cho cùng một xe với tổng thời hạn vượt quá 3 năm, vi phạm quy định hiện hành. Một số GCNBH còn thiếu thông tin cơ bản như biển số xe, số khung, số máy, loại xe và trọng tải. Mặc dù công ty đã triển khai hệ thống tra cứu GCNBH điện tử, nhưng kiểm tra thực tế cho thấy nhiều trường hợp không thể truy xuất thông tin người được bảo hiểm, thời hạn hoặc đặc điểm xe, đặc biệt với những GCNBH được cấp dưới dạng bản giấy.
Thanh tra cũng chỉ rõ rằng đường dây nóng tiếp nhận thông tin tai nạn của VNI hoạt động không hiệu quả. Trong suốt giai đoạn từ tháng 9 đến cuối năm 2023, công ty không ghi âm các cuộc gọi như quy định, không thống kê dữ liệu tiếp nhận nên không thể theo dõi kết quả xử lý sự kiện bảo hiểm.
Việc tiếp nhận phản ánh, khiếu nại từ khách hàng về các hợp đồng bảo hiểm TNDS cũng thiếu minh bạch. VNI ghi nhận có 27 phản ánh trong năm 2023 nhưng không cung cấp được đầy đủ hồ sơ giải quyết, trong đó chỉ có một trường hợp được trả lời bằng văn bản giải thích rõ lý do từ chối bồi thường.
![]() |
Riêng trong nghiệp vụ bảo hiểm xe máy – một lĩnh vực phổ biến và bắt buộc đối với người dân – VNI thu về hơn 110 tỷ đồng trong năm 2023. (Ảnh: Internet) |
>> Dai-ichi Life báo lãi hơn 2.600 tỷ, trả lương cao vượt nhiều ngân hàng lớn
Bồi thường chậm, trả thiếu, không thông báo số tiền cho người bị hại
Đối với nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc TNDS, năm 2023, VNI ghi nhận tổng doanh thu hơn 625 tỷ đồng, trong đó gần 110 tỷ đồng đến từ bảo hiểm xe máy và hơn 515 tỷ đồng từ ô tô. Tuy nhiên, tổng số tiền chi bồi thường cho xe máy chỉ đạt 4,4 tỷ đồng, trong khi số hồ sơ được giải quyết lên tới 66 trường hợp, cho thấy tỷ lệ bồi thường rất thấp so với số tiền thu được.
Trong khi đó, nghiệp vụ bảo hiểm TNDS ô tô có 1.951 hồ sơ với tổng tiền bồi thường hơn 104 tỷ đồng. Thêm vào đó, quá trình giải quyết bồi thường của VNI bị chỉ ra hàng loạt vi phạm: thời gian chi trả vượt quá thời hạn 15 ngày theo quy định với hơn 250 hồ sơ; một số hồ sơ được tạm ứng bồi thường nhưng quá hạn trên 3 ngày; nhiều trường hợp không thông báo mức chi trả cho người bị thiệt hại dù đây là nghĩa vụ bắt buộc.
Một trong những sai phạm nghiêm trọng được nêu trong kết luận là việc VNI chi trả bồi thường không đúng mức. Có trường hợp tử vong nhưng chỉ được bồi thường 30 triệu đồng, thấp hơn mức quy định tối thiểu 150 triệu đồng, và thậm chí thấp hơn mức thỏa thuận đã xác lập giữa các bên là 110 triệu đồng. Đồng thời, VNI bị phát hiện yêu cầu người mua bảo hiểm phải nộp tài liệu từ cơ quan công an trong các vụ tai nạn, trong khi theo quy định hiện hành, đây không phải nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.
Đối với nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, VNI ghi nhận doanh thu hơn 161 tỷ đồng, giữ lại 53 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chưa thiết lập đầy đủ hệ thống đường dây nóng theo quy định, thông tin trên hợp đồng bảo hiểm không rõ ràng, nhiều trường hợp thiếu địa chỉ người mua bảo hiểm hoặc không thể hiện rõ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm – một yêu cầu cơ bản của hợp đồng bảo hiểm bắt buộc.
Không dừng lại ở đó, công tác trích lập dự phòng nghiệp vụ của VNI bị đánh giá là thiếu chính xác, dẫn đến sai lệch số liệu kế toán lớn. Thanh tra phát hiện công ty vẫn trích lập dự phòng cho 338 hồ sơ đã giải quyết xong, dẫn đến sai lệch chi phí kế toán hơn 1,3 tỷ đồng. Một số hồ sơ trích lập không tương ứng với mức tổn thất thực tế hoặc chưa trích lập dù đã phát sinh yêu cầu bồi thường, làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch trong ghi nhận tài chính. Tổng cộng, số tiền cần điều chỉnh kế toán do trích lập sai hoặc thiếu lên tới hơn 5,3 tỷ đồng.
Trước những vi phạm này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm kiến nghị xử lý tài chính đối với VNI, yêu cầu điều chỉnh lại chi phí kế toán năm 2023, đồng thời tiến hành xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Cơ quan thanh tra cũng đề nghị Tổng công ty bảo hiểm Hàng không phải rà soát toàn bộ hoạt động kinh doanh bảo hiểm bắt buộc, khẩn trương khắc phục các tồn tại đã nêu, đặc biệt là các nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến người dân như TNDS xe máy và ô tô, nhằm đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật và bảo vệ quyền lợi khách hàng.
>> Lỗ hơn 2.000 tỷ đồng từ bảo hiểm, vì sao Manulife vẫn lãi lớn?