Thị trường ngày 13/2: Giá vàng gần sát 2.900 USD, dầu giảm, cà phê robusta lập kỷ lục mới

Phiên 12/2, giá dầu đảo chiều giảm sau khi Tổng thống Mỹ điện đàm với hai tổng thống Nga và Ukraine. Trái lại, giá cà phê trở lại xu hướng tăng.
Thị trường ngày 13/2: Giá vàng gần sát 2.900 USD, dầu giảm, cà phê robusta lập kỷ lục mới- Ảnh 1.

Dầu giảm 2%

Giá dầu giảm hơn 2% vào thứ Tư sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện bước đi lớn đầu tiên hướng tới ngoại giao về cuộc chiến ở Ukraine mà ông đã hứa sẽ chấm dứt, một cuộc chiến đã thúc đẩy giá dầu do lo ngại về nguồn cung toàn cầu.

Giá dầu Brent kết thúc phiên giảm 1,82 USD, hay 2,36%, xuống 75,18 USD/thùng. Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 1,95 USD, hay 2,66%, xuống 71,37 USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Trong bài đăng trên nền tảng mạng xã hội của mình, Donald Trump cho biết ông và Putin đã "đồng ý để nhóm của chúng tôi bắt đầu đàm phán ngay lập tức…", trong khi Văn phòng của Tổng thống Ukraine Zelenskiy cho biết ông Donald Trump và ông Zelenskiy đã nói chuyện qua điện thoại trong khoảng một giờ.

Vàng không thay đổi nhiều

Giá vàng ổn định vào thứ Tư, được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu do mức thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi thị trường tiếp nhận dữ liệu lạm phát của Mỹ nóng hơn dự kiến.

Giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.895,30 USD/ounce, vàng giao tháng 4/2025 giảm 0,1% xuống 2.928,70 USD.

Giá đã giảm hơn 1% sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 0,5% vào tháng 1/2025, cao hơn dự kiến, củng cố thông điệp của Cục Dự trữ Liên bang rằng họ không vội vàng tiếp tục cắt giảm lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng bất ổn.

Quặng sắt phục hồi

Giá quặng sắt phục hồi vào thứ Tư khi các nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung từ nhà sản xuất lớn của Úc và triển vọng nhu cầu tăng tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới - Trung Quốc.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 0,91% lên 828,5 nhân dân tệ (113,36 USD)/tấn.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 3 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 1,8% lên 107,8 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 14 tháng 10 năm 2024.

Thị trường lại dấy lên lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung sau khi Cảng Hedland của Tây Úc, điểm xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, thông tin “sẽ đóng cửa lúc 6 giờ chiều” (1000 GMT) (ngày thứ Tư) do bão nhiệt đới Zelia, thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư và đẩy giá lên cao.

Đồng tăng, nhôm giảm

Giá đồng tăng nhẹ vào thứ Tư do nguồn cung thắt chặt trong khi nhôm giảm do hoạt động chốt lời và lo ngại về tác động của thuế quan Mỹ đối với nhu cầu.

Đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,2% lên 9.472 USD/tấn, sau khi chạm mức 9.530 USD vào thứ Hai, mức cao nhất trong ba tháng.

Thị trường kim loại nói chung cũng nhận được sự hỗ trợ từ một báo cáo trên phương tiện truyền thông rằng các nhà chức trách Trung Quốc đang xem xét các kế hoạch giúp công ty bất động sản khổng lồ Vanke lấp đầy khoảng trống tài trợ.

Gí nhôm trên sàn LME giảm 0,7% xuống còn 2.626 USD/tấn khi các nhà đầu tư bán các vị thế mua trước sự không chắc chắn về mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trong tuần này.

Cao su biến động trái chiều

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm vào thứ Tư do nhu cầu xe cộ chậm lại ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới, và căng thẳng chiến tranh thương mại gia tăng, mặc dù sản lượng đang trong mùa thấp điểm.

Hợp đồng cao su tháng 7 của Sở giao dịch Osaka (OSE) kết thúc phiên giao dịch giảm 0,6 yên, hay 0,16%, xuống 368,1 yên (2,40 USD) một kg.

Trái lại, hợp đồng cao su tháng 5 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 340 nhân dân tệ, tương đương 1,94%, lên 17.825 nhân dân tệ (2.438,81 USD) cho một tấn.

Doanh số bán ô tô của Trung Quốc giảm 12% trong tháng 1/2025 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong gần một năm khi các nhà sản xuất ô tô chuẩn bị cho sự cạnh tranh gay gắt.

Doanh số bán ô tô có thể ảnh hưởng đến cường độ sản xuất ô tô, bao gồm việc sử dụng lốp xe làm bằng cao su.

Đậu tương và lúa mì giảm, ngô tăng nhẹ

Giá đậu tương tại Chicago giảm vào thứ Tư do báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ vào thứ Ba dự báo dự trữ đậu tương của Mỹ cao hơn dự kiến và thị trường tiếp tục lo ngại về nhu cầu yếu từ phía Trung Quốc đối với đậu tương Mỹ.

Giá ngô tăng nhẹ do nhu cầu mạnh, cũng như báo cáo cung cầu của USDA cho thấy dự trữ ngô toàn cầu thắt chặt. Lúa mì giảm trong phiên giao dịch nhiều biến động.

Trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT), giá đậu tương đã giảm 15-3/4 cent xuống còn 10,27-3/4 USD/bushel trong khi ngô tăng 6-1/4 cent lên 4,90-1/4 USD/bushel. Giá lúa mì đã giảm 2-3/4 cent xuống còn 5,74-1/2 USD/bushel.

Cà phê Arabica tiếp tục tăng, cà phê Robusta đạt kỷ lục

Giá cà phê arabica tăng trở lại. Trên Sàn giao dịch ICE, arabica kết thúc phiên tăng 15,8 cent, hay 3,9%, lên 4,202 USD/lb, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất mọi thời đại là 4,2995 USD/lb.

Cà phê Robusta tăng 2,8% lên 5.821 USD/tấn. Trước đó, giá đã tăng lên mức đỉnh điểm là 5.847 USD, mức giá cao nhất kể từ khi hình thức hợp đồng hiện tại bắt đầu giao dịch vào năm 2008.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 13/2:

Thị trường ngày 13/2: Giá vàng gần sát 2.900 USD, dầu giảm, cà phê robusta lập kỷ lục mới- Ảnh 2.