PVN đồng ý cho Đạm Phú Mỹ tăng vốn thêm gần 2.900 tỷ đồng, giải quyết "bất thường" lâu năm

Sau khi tăng, vốn điều lệ của Đạm Phú Mỹ là 6.800 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ 5.294 tỷ đồng của Đạm Cà Mau (DCM) - công ty phân bón có giá trị vốn hoá cao nhất hiện nay.

Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ban hành Nghị quyết thông qua phương án tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo, Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán: DPM) trong năm 2025 thêm 2.886 tỷ đồng. Nguồn tăng vốn từ quỹ đầu tư phát triển.

Sau khi tăng, vốn điều lệ của Đạm Phú Mỹ là 6.800 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ 5.294 tỷ đồng của Đạm Cà Mau (DCM) - công ty phân bón có giá trị vốn hoá cao nhất hiện nay.

Việc tăng vốn cho Đạm Phú Mỹ được thông qua nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án đầu tư quan trọng, đặc biệt khi doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực hóa chất thông qua thương hiệu mới PHUMY.

Từ Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Đạm Phú Mỹ đã xin ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, mục đích là để đảm bảo tình hình chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu của công ty cao gấp nhiều lần so với vốn điều lệ.

Trạng thái này vẫn duy trì đến cuối năm 2024, khi vốn điều lệ chỉ 3.914 tỷ đồng còn vốn chủ sở hữu là 11.236 tỷ đồng – gấp gần 3 lần. Số dư lớn nhất tập trung tại quỹ đầu tư phát triển với gần 4.600 tỷ đồng.

Việc vốn điều lệ thấp là một vấn đề khiến các doanh nghiệp nói chung gặp khó trong khâu đấu thầu (đặc biệt là đấu thầu quốc tế) và vay vốn ngân hàng, từ đó hạn chế nhiều cơ hội phát triển.

BCTC Q4/2024 của Đạm Phú Mỹ cho biết doanh thu đạt 3.164 tỷ đồng (-6,4% so với cùng kỳ - svck) và LNST đạt 41 tỷ đồng (-62%). Mức giảm mạnh LNST chủ yếu đến từ: (1) chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 36%, do phát sinh chi phí nghiên cứu phát triển (50 tỷ đồng), (2) lãi tiền gửi giảm 30,8% svck xuống còn 120 tỷ đồng.

Cả năm 2024, Đạm Phú Mỹ đạt doanh thu 13.496 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 594 tỷ đồng, tăng 11%.

Do đó, tăng trưởng LNST là nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi khi mà lợi nhuận tài chính giảm 21,3% svck và chi phí bản hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 8,5% svck.

Năm 2025, Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch tổng doanh thu 12.876 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 410 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng.

Kế hoạch đặt ra trong bối cảnh Đạm Phú Mỹ Giá urê thế giới đang tăng mạnh và thuế giá trị gia tăng 5% được áp dụng từ tháng 7/2025.

CTCK ACBS ước tính Đạm Phú Mỹ sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào 170 tỷ đồng trong 2025 và 350 tỷ đồng trong 2026. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi thực tế sẽ còn phụ thuộc vào mức hỗ trợ giá bán giữa doanh nghiệp và người nông dân.