Thanh Hóa: Dồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

Những năm qua, Thanh Hóa chú trọng đầu tư mới và nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo tiền đề thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.

Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn. 

Phấn đấu đến năm 2030, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp; nông nghiệp quy mô lớn, dịch vụ logistics... Đến năm 2045, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, hiện thực hóa mục tiêu lớn đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi thúc đầy phát triển kinh tế, cũng như thu hút các nhà đầu tư, những năm qua Thanh Hóa rất tích cực dồn lực để tập trung phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông - tiền đề thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. 

Về đường Bộ

Những năm gần đây, trên địa bàn Thanh Hóa có nhiều dự án giao thông đường bộ trọng điểm đã đang được triển khai và đi vào khai thác, sử dụng. 

Vừa qua, Thanh Hóa đã nhanh chóng, chủ động bố trí nguồn vốn đề đầu tư hoặc phối hợp với các bên liên quan thực hiện thi công và đã đưa vào sử dụng 7 nút giao giữa các tuyến đường quốc lộ với tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm: Nút giao Gia Miêu (Km 295+800), Nút giao Hà Lĩnh (Km 306+000), Nút giao Thiệu Giang (Km 315+380), Nút giao Đông Xuân (Km 327+142), Nút giao Đồng Thắng (Km 335+400), Nút giao Vạn Thiện (Km 351+320) và nút giao Nghi Sơn (Km 379+500) đã hoàn thành đưa vào sử dụng. 

Việc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa cùng các nút giao được cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp kết nối giao thông thuận lợi giữa các khu vực của Thanh Hóa với các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Dồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

Tuyến cao tốc Bắc - Nam qua đoạn qua địa bàn Thanh Hóa.

Về các tuyến đường kết nối các khu vực nội tỉnh, trong giai đoạn 2021 -2025, tới nay đã có khoảng 400.000 tỷ đồng đã được "bơm" vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng một số dự án lớn giúp kết nối giữa các khu vực kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn tỉnh này.

Cụ thể, để kết nối khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn và Cảng Hàng không Thọ Xuân cùng khu vực phía Tây Thanh Hóa, trong quý I/2024, Thanh Hóa khởi công dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 1.345 tỷ đồng. Đây là tuyến đường nhằm đáp ứng lưu thông vận chuyển hàng hóa, hành khách, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn kết nối đường cao tốc Bắc - Nam, đường Nghi Sơn - Thọ Xuân và các tuyến đường khu vực với Cảng Hàng không Thọ Xuân, Cảng biển Nghi Sơn. 

Tiếp đó, khởi công đầu tư Dự án Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2, kết nối khu du lịch Sầm Sơn cùng các đô thị ven biển với khu vực phía Tây Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 330,957 tỷ đồng. Dự án nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối liên vùng thông qua tuyến đường bộ ven biển và các trục giao thông trong khu vực.

Kết nối trung tâm Thành phố Thanh Hóa với các khu vực phía Tây, Thanh Hóa triển khai dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam ở thành phố Thanh Hóa với số vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng. 

Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm ATGT qua tuyến đường sắt Bắc - Nam và tăng cường kết nối giao thông trong khu vực; kết nối với tuyến đường trục chính đô thị, thị trấn Rừng Thông để tạo thành trục đường liên thông từ Quốc lộ 45 đến Quốc lộ 1.

Ngoài ra, các dự án đã hoàn thành và đang thực hiện như: đầu tư xây dựng mới các dự án đường sông Lò - Nam Động; đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1); tuyến đường Đại lộ Đông - Tây TP Thanh Hóa đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A với tổng chiều dài 33,4km; hoàn thành nâng cấp 56km Quốc lộ 15 đoạn Km53 - Km109 (từ Quan Hóa đi Ngọc Lặc) và nâng cấp các tuyến đường tỉnh 515B, 515C, 516B, 526B với chiều dài 33,9km; đường giao thông từ Quốc lộ 47 đi đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 thi công các tuyến đường nhánh) dài 10,8km... 

Bên cạnh đó, Thanh Hóa đang tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, tới nay tiến độ thi công đã đạt trên 50%.

Đường hàng không

Trên địa bàn Thanh Hóa hiện có Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân (tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân) đang khai thác 8 đường bay nội địa và tiếp nhận một số chuyến bay quốc tế trong thời gian qua với 1 đường băng và nhà ga hành khách T1 công suất 1,2 triệu khách/năm. Tuy nhiên, sau một thời gian khai thác, lượng hành khách qua Sân bay Thọ Xuân có dấu hiệu quá tải. 

Vì vậy, Thanh Hóa đang gấp rút triển khai phương án mở rộng Sân bay Thọ Xuân với các hạng mục: đường băng thứ 2, nhà ga T2 và các công trình liên quan, với vốn đầu tư 8.200 tỷ đồng. 

Để thúc đẩy dự án quan trọng này, trong tháng 11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, tại buổi làm việc này Thủ tướng đã đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Thanh Hóa là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân theo phương thức PPP; giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn.

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Dồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông (Hình 2).

Cảng hàng không Thọ Xuân sẽ được mở rộng trong thời gian tới.

Dự kiến sau khi hoàn thành mở rộng, Cảng hàng không Thọ Xuân sẽ gia tăng công suất phục vụ hành khách và hàng hóa, bao gồm: nhà ga hành khách T2, hạ tầng kỹ thuật khai thác nhà ga T2, mở rộng sân đỗ lên 7 vị trí; công trình dịch vụ kỹ thuật, thương mại hàng không và mua sắm trang thiết bị khai thác đảm bảo khai thác đáp ứng công suất khoảng 5 triệu lượt hành khách/năm, đủ điều kiện công bố cảng hàng không quốc tế theo quy định. Đồng thời, ga hàng hóa sẽ có công suất 27.000 tấn/năm, và có khả năng mở rộng lên 50.000 tấn/năm nếu cần thiết. 

Đường thủy

Tại Cảng Nghi Sơn, đến nay khu vực bến cảng Nam Nghi Sơn đã có 14 dự án khai thác hạ tầng cảng biển được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 25.000 tỷ đồng. Khu vực cảng tổng hợp gồm 21 bến cảng, đã có 12 bến hoàn thành đi vào khai thác kinh doanh. Trong đó, năng lực tiếp nhận tàu trọng tải 70.000 DWT, bao gồm 2 bến cảng của Công ty Cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa, 3 bến cảng của Công ty Cổ phấn Đầu tư khoáng sản Đại Dương, 5 bến cảng của Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn, 1 bến cảng của Công ty TNHH Quang Trung, 1 bến cảng của Công ty Cổ phần Hóa chất GAMA Thanh Hóa.

Khu vực cảng chuyên dùng gồm 18 bến, đã có 12 bến hoàn thành và đang khai thác phục vụ các dự án lớn trong Khu kinh tế Nghi Sơn, gồm: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn 8 bến, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn 1 bến nhô; các Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2 có 3 bến. Khu cảng container gồm 10 bến cảng, đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn 4 bến và Công ty trách nhiệm hữu hạn Long Sơn 4 bến.

Tại khu bến Bắc Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương hiện đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương dự án khu bến Bắc Nghi Sơn mở rộng với diện tích khoảng 557,197 ha, năng lực tiếp nhận hàng hóa khoảng 25 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 14.119 tỷ đồng.

Đối với khu neo đậu, chuyển tải tại Cảng biển Nghi Sơn, 2 khu neo đậu, chuyển tải của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nghi Sơn đã đưa vào khai thác, có khả năng tiếp nhận tàu thuyền có trọng tải trên 80.000 DWT.

Cùng với đó, 1 bến phao nổi SPM của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 320.000DWT phục vụ nhập dầu thô công suất 10 triệu tấn/năm. Tại Cảng biển Nghi Sơn đã có 4 điểm neo đậu chuyển tải phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có khả năng tiếp nhận tàu thuyền có trọng tải đến 210.000 DWT vào neo đậu, chuyển tải.

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Dồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông (Hình 3).

Một bến tàu tại Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Ngoài ra, phía nhà nước, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp luồng hàng hải vào các bến khu vực Nam Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 567,6 tỷ đồng.

Trong khi UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất Dự án đầu tư nạo vét luồng tàu ra vào Cảng Nghi Sơn đoạn từ phao số 0 đến đê Bắc, với tổng chiều dài 7km. Tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 2.200 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản 1.600 tỷ và nguồn vốn đối ứng của tỉnh Thanh Hóa 600 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống cảng biển, năm 2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, theo đó hỗ trợ 500 triệu đồng/chuyến tàu vận chuyển container đi quốc tế; hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet qua Cảng Nghi Sơn và mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa.

Ngoài đầu tư Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa cũng đang quy hoạch Khu bến Cảng Lệ Môn, Cảng Quảng Châu (phạm vi quy hoạch là vùng đất và vùng nước khu vực Lệ Môn, Quảng Châu trên Sông Mã) có chức năng là bến vệ tinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, có bến tổng hợp, hàng lỏng; đón nhận tàu tổng hợp, hàng lỏng trọng tải đến 2.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với tĩnh không công trình vượt sông.

Đồng thời, quy hoạch Cảng Lạch Sung, Quảng Nham, Quảng Xương với chức năng phục vụ nhu cầu phát triển khu công nghiệp sau cảng; có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng; đón nhận cỡ tàu tàu trọng tải đến 7.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Bên cạnh đó là các khu neo đậu, chuyển tải ngoài khơi: Cho tàu hàng lỏng/khí, trọng tải đến 60.000 tấn, tàu hàng rời trọng tải đến 200.000 tấn, hoặc lớn hơn và các khu neo đậu tránh, trú bão tại khu vực Cảng Lễ Môn và Hòn Mê và các khu vực khác có đủ điều kiện.