Ngày 14/2, ông Hồ Ngọc Tăng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên, TX. Hoàng Mai, Nghệ An - cho biết, nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm sâu đã khiến su su của người dân trên địa bàn sản xuất ra rơi vào tình trạng rớt giá không phanh và “ế”.
Cụ thể, thời điểm khi su su mới thu hoạch , các thương lái thu mua với giá hơn 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên đến thời điểm trước tết, thị trường thu mua chững lại rồi dừng khiến giá su su rơi xuống chạm đáy ở mức 200-300 đồng/kg. Nhiều thời điểm su su không có người thu mua .
![Su su 'rớt giá' thê thảm- Ảnh 1. Su su 'rớt giá' thê thảm- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/15/tp-1-4557-5945-1739579415082-173957941535969373949.jpg)
Su su rớt giá thê thảm, nhiều hộ dân thu hoạch su su rồi để từng đống tại ruộng.
“Dù giá đã xuống rất thấp nhưng vẫn khó bán. Một số hộ vẫn tìm được nơi tiêu thụ nhưng chỉ cầm chừng và số lượng bán được rất ít. Một số hộ không bán được thì đành bỏ tại ruộng”, Chủ tịch xã Quỳnh Liên nói.
Theo người dân xã Quỳnh Liên, trong một thời gian dài giá xuống thấp không bán được nên su su bị già và bắt đầu hỏng. Khi đến kỳ thu hoạch, một số hộ dân ra ruộng hái rồi tập kết lại thành đống chờ giá lên để bán. Tuy nhiên một số hộ dân để luôn su su tại ruộng mà không thu hoạch.
“Thu hoạch mình phải thuê người về hái. Đã không bán được còn mất thêm tiền công thuê nên một số hộ đành để su su ngoài ruộng . Để một thời gian, su su cũng sẽ bị hỏng”, anh Trần Văn Hà (trú xã Quỳnh Liên) nói.
![Su su 'rớt giá' thê thảm- Ảnh 2. Su su 'rớt giá' thê thảm- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/15/z6231004163647-50eb76367a71d25e9afdd39f0fd93a0c-6525-7957-1739579416695-17395794167721069203003.jpg)
Nhiều hộ gia đình trồng su su không thu hoạch vì giá thấp và không có người thu mua.
Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Hoàng Ngọc Oanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Liên - cho hay, tình trạng su su mất giá vẫn thường xảy ra hàng năm. Nguyên nhân do người lao động nghỉ làm, học sinh sinh viên nghỉ học nên các thị trường lớn không tiêu thụ được.
“Trước Tết có thời điểm giá su su lên cao 4.000 - 5.000 đồng, nhưng từ 23 âm lịch tháng Chạp thì không tiêu thụ được. Mấy ngày trước thì người dân bỏ, cho không ai lấy. Một số hộ dân thu hoạch và bảo quản đúng cách thì su su sẽ không bị hỏng. Nhưng nếu họ cắt bỏ xuống đất không gom lại bảo quản thì chỉ một thời gian ngắn sẽ hỏng”, ông Hoàng Ngọc Anh nói.
Sau thời gian dài mất giá, đến ngày 14/2, giá su su bắt đầu được các thương lái thu mua trở lại với lượng cầm chừng và giá tăng từ 300 đồng lên 500 đồng/kg. Tuy giá vẫn còn rất thấp nhưng khi thị trường quay lại, người dân xã Quỳnh Liên đã bắt đầu ra đồng thu hoạch, gom hàng chờ giá lên cao để bán.
![Su su 'rớt giá' thê thảm- Ảnh 3. Su su 'rớt giá' thê thảm- Ảnh 3.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/15/z6231004162635-c35de21d0d8f53af194c39f8d1435f8b-93-5099-1739579417380-17395794174481085107514.jpg)
Trước Tết, giá su su có thời điểm lên cao từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg.
Xã Quỳnh Liên được biết đến là một trong những vựa rau màu lớn nhất của tỉnh Nghệ An. Toàn xã có hơn 350 ha trồng các loại rau màu. Trong đó diện tích trồng su su là 70 ha với năng suất trung bình đạt từ 100-120 tấn/1ha. Năm 2023, xã Quỳnh Liên có 2 loại rau màu là su su và cà rốt đã đạt tiêu chuẩn thương hiệu Ocop, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.