Sầu riêng thu 4,63 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc mỗi năm, nhiều khâu vẫn thờ ơ lạ thường

Gấp rút sàng lọc chất cấm trong sầu riêng

Thái Lan và Việt Nam là hai nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc, chiếm tới 99% tổng lượng sầu riêng nước này nhập khẩu trong năm 2024.

Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, xuất khẩu trái cây tỷ USD vào thị trường tỷ dân này bị đình trệ do hải quan Trung Quốc siết chặt kiểm soát, yêu cầu 100% các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có giấy kiểm nghiệm chất Cadimi và vàng O.

Đáng lưu ý, Thái Lan, quốc gia đầu tiên bị phát hiện tồn dư chất vàng O khiến Trung Quốc siết chặt kiểm tra toàn bộ sầu riêng nhập khẩu, chỉ vài tháng sau lại là nước đầu tiên được mở "luồng xanh" - hành lang xuất khẩu ưu tiên vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, sầu riêng của Việt Nam qua cửa khẩu vẫn bị kiểm tra với tỷ lệ 100% số lô hàng.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, cho biết, sản lượng sầu riêng năm nay của tỉnh ước khoảng 500.000 tấn. Nếu không giải quyết được các vấn đề liên quan đến kiểm tra, kiểm soát chất cấm thì hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ đã cận kề. Trong lúc chờ cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên để tiến hành lấy mẫu đánh giá tình hình nhiễm Cadimi và chất vàng O trong sầu riêng. Đồng thời, tìm ra nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến việc tồn dư các chất cấm, từ đó có giải pháp phù hợp.

sau riengXuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đang giảm mạnh. Ảnh: MK

Năm ngoái, hơn một nửa sản lượng sầu riêng (736.720 tấn) của nước ta được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm nay, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sản lượng sầu riêng ước khoảng 1,55 triệu tấn, trong đó chính vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 với sản lượng lên tới cả triệu tấn.

Tuy nhiên, giấy chứng nhận kiểm nghiệm chất vàng O và Cadimi vẫn là vấn đề nan giải đối với ngành hàng xuất khẩu trị giá hàng tỷ USD này. Cả nước hiện chỉ có 12 trung tâm thí nghiệm kiểm tra Cadimi và 9 trung tâm kiểm tra chất vàng O được cơ quan chức năng của Trung Quốc công nhận kết quả. Còn quy trình kiểm dịch thực vật cho sầu riêng vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành.

Trong cuộc họp khẩn bàn giải pháp xuất khẩu sầu riêng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với phía hải quan Trung Quốc để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở xuất khẩu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn ở nước ta thừa nhận, dù xuất khẩu sang thị trường thu về vài tỷ USD mỗi năm, nhưng trong chuỗi ngành hàng sầu riêng ông thấy nhiều khâu có sự thờ ơ lạ thường.

Nhiều nhà vườn không nắm được chất lượng sầu riêng do chính mình làm ra, không biết có tồn dư chất cấm hay không. Quy trình kiểm dịch thực vật cũng như tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu chưa có, nên vẫn cứ làm “tù mù”. Đơn vị thu mua đến khi kiểm nghiệm không đạt chất lượng để thông quan, hàng bị trả về thiệt hại tiền tỷ. Thành ra, nhiều doanh nghiệp chọn cách tạm ngừng xuất khẩu sầu riêng, tránh rủi ro kinh tế.

Vị này nhấn mạnh, ở tất cả các khâu đều phải có sự chủ động. Cơ quan chức năng cần đưa ra hướng dẫn, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung cho sầu riêng xuất khẩu. Nhà vườn, các vựa thu mua cần chủ động kiểm nghiệm chất lượng, kiểm soát nguyên liệu đầu vào. Như vậy, hoạt động xuất khẩu mới được khơi thông và ổn định.

Không chỉ sầu riêng, các loại rau quả cũng cần chuẩn chỉnh

Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) nhắc lại, Trung Quốc giờ là thị trường “khó tính” với các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe. Do đó, hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch dần bị đóng cửa, chuyển sang nhập khẩu chính ngạch.

“Việc siết chặt kiểm tra chất vàng O và Cadimi trên sầu riêng nhập khẩu không phải là quy định đã có từ lâu. Họ kiểm tra chặt chẽ với tất cả các nước có sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Trong quá trình nhập khẩu, nếu phát hiện chất cấm, tỷ lệ vi phạm quy định cao, hải quan của Trung Quốc sẽ tăng tần suất kiểm tra các lô hàng.

Theo Tổng thư ký VINAFRUIT, Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới. Đây cũng là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, đạt 4,63 tỷ USD năm 2024. Thế nên, không chỉ sầu riêng mà với các loại rau quả khác, chúng ta cũng cần kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm. Vì sau sầu riêng, Trung Quốc có thể siết chặt kiểm tra các loại trái cây nhập khẩu khác.

Việt Nam có 14 loại rau quả đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, 6 mặt hàng hai bên đã ký nghị định thư xuất khẩu và 6 mặt hàng truyền thống chưa được chuẩn hóa bằng nghị định thư xuất khẩu. Riêng chanh leo và ớt đang được xuất khẩu thí điểm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, để một mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, chúng ta phải đàm phán rất nhiều năm. Khi ký nghị định thư cũng kèm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật rất rõ ràng.

Vì vậy, trong quá trình sản xuất và xuất khẩu, nếu chúng ta làm không chuẩn chỉnh, tỷ lệ vi phạm cao sẽ bị tăng tần suất kiểm tra, thậm chí không vào được thị trường này.

>>'Báo động đỏ' sầu riêng Việt Nam