Giám đốc điều hành OpenAI, ông Sam Altman, mới đây đã chia sẻ quan điểm về những thách thức và hạn chế của ngành AI trong một bài viết trên blog cá nhân. Ông thừa nhận rằng, dù AI mang lại nhiều cơ hội đột phá, lợi ích từ công nghệ này có thể không được phân bổ đồng đều, đặc biệt khi khoảng cách quyền lực giữa vốn và lao động ngày càng gia tăng.
![]() |
Ông Altman khẳng định rằng mục tiêu cốt lõi của OpenAI vẫn là thúc đẩy sự trao quyền cho cá nhân, đồng thời ngăn chặn nguy cơ AI bị lạm dụng để kiểm soát xã hội. Ảnh minh hoạ |
Theo ông Altman, một trong những vấn đề quan trọng cần giải quyết là đảm bảo AI có thể được tiếp cận một cách công bằng. Để làm điều này, ông đề xuất ý tưởng về “ngân sách tính toán” nhằm cung cấp quyền sử dụng tài nguyên AI cho nhiều đối tượng hơn. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng triển khai ý tưởng này trên thực tế không hề đơn giản.
>>Nghề kiếm 3 tỷ đồng/năm: Thu nhập khủng, áp lực cao nhưng không dành cho số đông
Bên cạnh đó, tác động của AI đối với thị trường lao động ngày càng rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ này để tinh giản bộ máy và cắt giảm nhân sự. Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu thiếu các chính sách hỗ trợ kịp thời từ chính phủ, cùng với các chương trình đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, AI có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
Một trong những điểm nhấn trong bài viết của ông Altman là nhận định về trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) - hệ thống có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp tương đương con người. Ông cho rằng AGI không còn là viễn cảnh xa vời mà đang tiến gần hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng công nghệ này sẽ không hoàn hảo và cần có sự giám sát chặt chẽ từ con người để đảm bảo an toàn.
“AGI sẽ xuất sắc trong một số lĩnh vực nhưng lại kém hiệu quả ở những lĩnh vực khác”, ông viết, đồng thời nhấn mạnh rằng giá trị thực sự của AGI chỉ có thể được phát huy khi vận hành trên quy mô lớn.
Việc phát triển AGI đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ. Hiện tại, OpenAI đang đàm phán để huy động tới 40 tỷ USD trong một vòng gọi vốn mới, đồng thời dự kiến chi đến 500 tỷ USD để xây dựng mạng lưới dữ liệu phục vụ AI.
Dù chi phí phát triển AI ngày càng tăng, ông Altman cho biết chi phí sử dụng AI lại giảm đáng kể, với mức giảm khoảng 10 lần mỗi năm. Điều này giúp người dùng có thể tiếp cận các hệ thống AI ngày càng mạnh mẽ hơn với chi phí thấp hơn, mở ra nhiều cơ hội ứng dụng thực tế.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của AI, OpenAI cũng đối mặt với những quyết định quan trọng liên quan đến vấn đề an toàn. Ông Altman thừa nhận rằng công ty có thể sẽ đưa ra những lựa chọn không được lòng tất cả mọi người.
Dù từng cam kết hỗ trợ các dự án an toàn trong quá trình phát triển AGI, OpenAI hiện đã chuyển từ mô hình phi lợi nhuận sang định hướng kinh doanh, với mục tiêu đạt doanh thu 100 tỷ USD vào năm 2029. Điều này đặt ra câu hỏi về cách công ty sẽ cân bằng giữa lợi nhuận và trách nhiệm đối với cộng đồng.
Tuy nhiên, ông Altman khẳng định rằng mục tiêu cốt lõi của OpenAI vẫn là thúc đẩy sự trao quyền cho cá nhân, đồng thời ngăn chặn nguy cơ AI bị lạm dụng để kiểm soát xã hội. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc cân bằng giữa an toàn và tự do của người dùng, bao gồm cả việc xem xét hướng phát triển công nghệ nguồn mở.
Bên cạnh đó, mối quan hệ đối tác giữa OpenAI và Microsoft cũng sẽ tiếp tục được duy trì lâu dài, dù hai bên vẫn đang thảo luận về định nghĩa cụ thể của AGI trong hợp đồng hợp tác.
>>Xuất khẩu dệt may khởi sắc đầu năm: Đơn hàng nhiều nhưng doanh nghiệp chưa dám ‘chốt’ xa