Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu lao động tăng cao
Ngành du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch, trở thành một trong những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao nhất. Dự kiến đến năm 2025, ngành này cần khoảng 5,5 triệu lao động, mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng lớn với mức thu nhập có thể lên tới 50 triệu đồng/tháng ở các vị trí cấp cao.
Năm 2024, Việt Nam ước tính đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 39% so với năm 2023, trong khi khách nội địa đạt 110 triệu lượt, tăng nhẹ 1,6%. Tổng thu từ du lịch ước đạt 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm trước. Những con số này cho thấy du lịch tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời kéo theo nhu cầu lao động tăng nhanh trên toàn ngành.
Trong tháng 1/2025, các thị trường châu Á tiếp tục đóng góp lớn vào lượng khách đến Việt Nam. Trung Quốc dẫn đầu với gần 575.000 lượt khách, tăng 137% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua Hàn Quốc. Nhật Bản và Campuchia cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 30% và 169%.
Đặc biệt, khách đến từ châu Âu, nhờ chính sách miễn thị thực mở rộng từ tháng 8/2023, đã tăng mạnh, với Italy tăng 40%, Anh tăng 26%, Pháp tăng 15%, Đức tăng 19%...
Dự báo năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 22-23 triệu lượt khách quốc tế, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lớn trong toàn ngành, từ lữ hành, quản lý khách sạn, hướng dẫn viên đến các vị trí cấp cao như giám đốc điều hành tour.
![]() |
10 thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất trong tháng 1/2025. Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia |
>> Huy động 50.000 cọc tre xây dựng cây cầu tre dài nhất Đông Dương, trở thành điểm thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở, thu nhập hấp dẫn
Sự tăng trưởng của ngành du lịch mang lại cơ hội việc làm lớn với mức thu nhập hấp dẫn. Theo khảo sát, mức lương cho các vị trí cơ bản như hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour dao động từ 7 - 12 triệu đồng/tháng.
Đối với các vị trí quản lý như trưởng phòng marketing du lịch, quản lý khách sạn, mức thu nhập có thể đạt 15 - 30 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, nếu làm việc tại các tập đoàn quốc tế hoặc tự phát triển dịch vụ riêng, con số này có thể lên tới 50 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng và các chế độ đãi ngộ khác.
Các doanh nghiệp du lịch cũng ngày càng chú trọng đến chính sách đãi ngộ, tổ chức các chương trình thưởng hấp dẫn nhằm thu hút và giữ chân nhân sự chất lượng cao. Đây là yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch trở thành một trong những lĩnh vực đáng theo đuổi nhất hiện nay.
![]() |
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 lập kỷ lục cao nhất theo tháng từ trước đến nay. Ảnh: Báo Quảng Nam |
>> Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam dẫn đầu tốc độ phát triển du lịch tại Đông Nam Á
Dù cơ hội rộng mở, nhưng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, người lao động trong ngành du lịch cần được trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực chiến tốt và khả năng sử dụng công nghệ trong quản lý dịch vụ.
PGS.TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết ngành du lịch hiện có điểm đầu vào khá cao và sinh viên tốt nghiệp gần như không lo thất nghiệp.
Tuy nhiên, để thành công trong nghề, ngoài các kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa lý, marketing du lịch, sinh viên cần trau dồi kỹ năng mềm như thuyết trình, quản lý đoàn, xử lý tình huống.
Đặc biệt, trong thời đại chuyển đổi số, việc thành thạo công nghệ và ngoại ngữ là lợi thế quan trọng giúp người lao động nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Bùi Tất Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, nhấn mạnh: “Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển đổi số, các bạn sinh viên phải chuẩn bị kỹ kiến thức về công nghệ và ngoại ngữ. Ngoài kiến thức chuyên môn, còn phải chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp về thuyết trình, quản lý đoàn, kỹ năng lãnh đạo, giải quyết tình huống phát sinh…. Đối với lĩnh vực du lịch, chúng ta phải luôn luôn tìm tòi, phát triển khả năng của bản thân, quan tâm các vấn đề về văn hóa, môi trường, đặc biệt phải tôn trọng khách trong suốt hành trình”.
![]() |
Khách quốc tế thích thú tham quan, trải nghiệm Làng rau Trà Quế. Ảnh:Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Việt Nam đang đẩy mạnh chính sách thu hút khách quốc tế, trong đó có việc miễn thị thực cho công dân Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ từ tháng 3/2025. Những chính sách này sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động trong nước.
Với sự phát triển mạnh mẽ và nhu cầu nhân lực lớn, ngành du lịch không chỉ mang lại thu nhập hấp dẫn mà còn đem đến những trải nghiệm phong phú, cơ hội giao lưu văn hóa và phát triển bản thân. Đây chính là thời điểm lý tưởng để những ai đam mê du lịch theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
>> Một dự án của Novaland (NVL) đón gần 200.000 du khách trong năm qua