Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Chứng khoán VCBS đã nâng triển vọng đối với cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với dự báo nhà băng này sẽ bứt tốc trong năm then chốt của đề án tái cơ cấu
Theo VCBS, Sacombank là một trong những ngân hàng cổ phần tư nhân quy mô lớn, có hoạt động kinh doanh cốt lõi hiệu quả trong ngành ngân hàng. Sau những vấn đề lớn về chất lượng tài sản đến từ việc sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, Sacombank đã bước vào giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của NHNN, và được kỳ vọng sẽ bước sang chu kỳ hồi phục mạnh mẽ trong những năm tới.
"Chúng tôi kỳ vọng quá trình xử lý tài sản tồn đọng của Sacombank sẽ được đẩy nhanh và hoàn thành trong năm 2025-2026 khi các thị trường tài sản có dấu hiệu hồi phục", VCBS cho hay.
Cùng với VCBS, Chứng khoán Vietcap cũng đánh giá cao tiềm năng tăng giá của cổ phiếu STB nhờ việc xử lý các khoản nợ và tài sản bảo đảm kế thừa thừa từ Ngân hàng Phương Nam.
"Các khoản nợ xấu này làm ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh và quy mô vốn chủ của Sacombank trong giai đoạn 2016 – 2024. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn lợi nhuận tiềm năng lớn khi Sacombank thu hồi được các khoản nợ này trong tương lai", Vietcap cho hay.
Vượt qua thách thức, khẳng định vị thế
Sacombank bắt đầu hành trình tái cơ cấu từ năm 2016, sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam. Thời điểm đó, ngân hàng phải đối mặt với một khối lượng nợ xấu khổng lồ và các điều kiện ngặt nghèo từ Đề án tái cơ cấu, đặc biệt là hạn chế không được tăng vốn điều lệ. Những khó khăn này tưởng chừng sẽ kìm hãm sự phát triển của Sacombank, nhưng với chiến lược rõ ràng và sự quyết tâm mạnh mẽ, ngân hàng đã từng bước vượt qua thách thức, tạo nên những bước tiến ấn tượng.
Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Sacombank là lộ trình xử lý nợ xấu minh bạch và hiệu quả. Tính đến cuối năm 2024, Sacombank đã thu hồi và xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng tổng lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó 76.695 tỷ đồng thuộc Đề án tái cơ cấu. Nhờ đó, tỷ trọng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong tổng tài sản giảm mạnh từ 28,1% xuống còn 2,4%, tương đương mức giảm 80,5%.
Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh và trích lập 100% dự phòng cho danh mục nợ tồn đọng còn lại. Hiện ngân hàng đang chờ thu lại khoản tiền đấu giá thành công dự án KCN Phong Phú, đồng thời chờ NHNN phê duyệt và triển khai phương án xử lý đối với khoản nợ được bảo đảm hơn 32% vốn cổ phần của ông Trầm Bê cùng những người có liên quan. Từ đó, có cơ sở hoàn tất các nghĩa vụ còn lại, tiến hành các thủ tục cần thiết để tăng vốn điều lệ.

Cùng với hoạt động xử lý nợ xấu, lợi nhuận của Sacombank phục hồi mạnh mẽ và duy trì ổn định qua từng năm. Từ mức lợi nhuận trước thuế chỉ 156 tỷ đồng vào năm 2016 – thời điểm ngay sau sáp nhập và bắt đầu tái cơ cấu – Sacombank đã đạt được bước nhảy vọt với lợi nhuận trước thuế năm 2024 lên tới 12.720 tỷ đồng - lọt Top10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống.
Kết quả trên giúp lợi nhuận giữ lại lũy kế sau phân phối của Sacombank tính đến cuối năm 2024 đạt 25.352 tỷ đồng, gấp hơn 1,3 lần vốn điều lệ. Đây là nguồn lực tài chính mạnh mẽ, sẵn sàng để Sacombank chia cổ tức cho cổ đông ngay khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt.
Bên cạnh việc xử lý nợ xấu và phục hồi lợi nhuận, Sacombank còn chứng tỏ khả năng sử dụng vốn hiệu quả thông qua các chỉ số tài chính tăng trưởng mạnh mẽ. Tỷ trọng tài sản có sinh lời của ngân hàng đã tăng từ 89,6% lên 95,2%, cho thấy sự tối ưu hóa trong việc phân bổ nguồn lực. Các chỉ số sinh lời cũng được cải thiện đáng kể: lợi nhuận trước thuế bình quân trên mỗi nhân viên tăng 34%, đạt 696 triệu đồng/nhân viên/năm; tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân tăng 0,2%, đạt 1,42%; và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân tăng 1,73%, đạt 20,03%.

Đặc biệt, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của Sacombank ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 47,7%, tương đương 1.729 đồng, đạt 5.351 đồng/cổ phiếu. Đây là một chỉ số quan trọng, phản ánh trực tiếp giá trị mà cổ phiếu mang lại cho cổ đông.
Với các chỉ số tài chính tích cực này, Sacombank không chỉ khẳng định năng lực kinh doanh mà còn củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của cổ phiếu ngân hàng.
Lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư
Đi cùng hiệu quả kinh doanh, uy tín và giá trị thương hiệu của Sacombank cũng không ngừng được nâng cao trên thị trường quốc tế. Trong năm 2024, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Sacombank lên một bậc, trong khi Fitch Ratings đánh giá triển vọng "ổn định" với xếp hạng nhà phát hành (IDR) dài hạn ở mức BB-, IDR ngắn hạn ở mức B và sức mạnh độc lập (VR) ở mức B+.
Những đánh giá tích cực này không chỉ củng cố vị thế của Sacombank trên thị trường trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư chiến lược quốc tế và nhận được sự tín nhiệm cao từ phía khách hàng.
Hiện tại, Sacombank đang phục vụ hơn 19 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, một con số ấn tượng phản ánh sức hút và độ phủ của thương hiệu.
Khả năng quản trị rủi ro vượt trội cũng là một trong những điểm sáng của Sacombank. Theo đó, Ngân hàng đã áp dụng hiệu quả các chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel III, đồng thời hoàn thành việc xây dựng báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS9. Những bước đi này không chỉ giúp Sacombank sử dụng vốn hiệu quả để tạo ra lợi nhuận mà còn xây dựng một bộ đệm tài chính vững chắc, đủ sức đối phó với những biến động bất ngờ của thị trường.
Với những thành tựu vượt trội nêu trên, Sacombank đã chứng minh rằng, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, một chiến lược đúng đắn và sự quyết tâm mạnh mẽ có thể tạo nên những kỳ tích.
Đối với các nhà đầu tư, cổ phiếu Sacombank đang trở thành một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với triển vọng sinh lời bền vững. Sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu và các hạn chế về tăng vốn được gỡ bỏ, Sacombank được kỳ vọng sẽ có thêm động lực để mở rộng quy mô và nâng cao giá trị cổ phiếu.