ECB chuẩn bị cắt giảm lãi suất khi Eurozone suy yếu
Kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn bất ổn mới khi cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều đối mặt với những thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ. Giữa bối cảnh tăng trưởng suy yếu, bất ổn thương mại leo thang và áp lực lạm phát chưa hạ nhiệt, các quyết sách tới đây của hai định chế tài chính lớn nhất thế giới sẽ có tác động sâu rộng tới thị trường toàn cầu.
Các quan chức ECB đang lên kế hoạch hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 6, khi kinh tế Eurozone đối mặt với nguy cơ tăng trưởng yếu kéo dài. Các yếu tố như bất ổn từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung, đồng euro tăng giá, thắt chặt tài khóa và giá năng lượng giảm đang cùng nhau kìm hãm áp lực lạm phát trong khu vực.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa gia hạn 90 ngày đàm phán thương mại, nhưng khả năng đạt được thỏa thuận bền vững vẫn rất mơ hồ. Tại Hội nghị mùa xuân IMF ở Washington tuần qua, các lãnh đạo kinh tế châu Âu rời cuộc họp với tâm lý thất vọng và lo ngại rằng tình trạng bất định sẽ kéo dài, tiếp tục làm chậm đầu tư và tiêu dùng.
Các dự báo mới nhất từ IMF đã hạ tăng trưởng của khu vực Eurozone từ 1% xuống chỉ còn 0,8% trong năm nay. Lạm phát được dự báo đạt mục tiêu 2% vào nửa cuối năm, song rủi ro suy yếu kéo dài vẫn hiện hữu nếu cầu nội địa tiếp tục trì trệ.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định, trong bối cảnh cú sốc kinh tế khó đoán định, ECB sẽ “cực kỳ phụ thuộc vào dữ liệu” để đưa ra các quyết định chính sách tiếp theo.
Fed đối mặt ngã ba giữa thắt chặt và áp lực chính trị
Trong khi đó, Fed cũng đối diện với những thách thức không kém phần khó khăn. Trước viễn cảnh tăng trưởng chậm lại, nhiều ngân hàng trung ương lớn khác đang hướng tới nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, Fed có thể buộc phải duy trì lập trường thắt chặt để kiềm chế lạm phát gia tăng do tác động từ chính sách thuế quan của chính quyền Trump.
Một mối lo lớn hơn là nguy cơ tổn hại tới tính độc lập chính trị của Fed. Tổng thống Trump nhiều lần công khai chỉ trích Chủ tịch Jerome Powell và thậm chí ám chỉ khả năng sa thải ông, trước khi rút lại tuyên bố. Dù vậy, áp lực chính trị này đã làm gia tăng tâm lý lo ngại về sự độc lập của Fed – yếu tố then chốt đảm bảo niềm tin vào đồng USD và hệ thống tài chính toàn cầu.
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc bổ nhiệm người kế nhiệm Powell vào năm 2026 sẽ trở thành một phép thử quan trọng cho uy tín và tính độc lập của Fed.
![]() |
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc bổ nhiệm người kế nhiệm Powell vào năm 2026 sẽ trở thành một phép thử quan trọng cho uy tín và tính độc lập của Fed. (Ảnh: Reuters) |
Chính sách thuế quan cứng rắn của Trump đã khiến USD và thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh trong thời gian qua, đồng thời đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cảnh báo Mỹ có thể rơi vào một "cuộc suy thoái nhỏ" trong năm nay, do tác động từ chính sách nội địa nhiều hơn là từ các cú sốc bên ngoài.
Fed giờ đây rơi vào thế khó: vừa đối mặt với tăng trưởng chậm, vừa chịu áp lực lạm phát cao, đòi hỏi sự cân nhắc cực kỳ thận trọng trong các quyết định sắp tới.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, sau nhiều năm các ngân hàng trung ương hành động đồng bộ để hỗ trợ kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ nay đang bước vào giai đoạn phân hóa mạnh mẽ. Một số quốc gia sẽ phải tiếp tục thắt chặt để đối phó lạm phát, trong khi những nước khác buộc phải nới lỏng sâu nhằm cứu vãn tăng trưởng.
"Chúng ta đang ở thời điểm mà mỗi nền kinh tế cần một con đường riêng", bà Georgieva nói.
Tham khảo Reuters, BT
>> Các NHTW toàn cầu đồng loạt giảm lãi suất, riêng Fed đi ngược xu hướng