Ra mắt thiết bị bay cá nhân chạy điện đầu tiên trên thế giới, Trung Quốc biến viễn tưởng thành hiện thực

Phương tiện bay mới của Zhiyuan được thiết kế dành cho một người, trang bị ba cánh quạt điện bố trí ở hai bên và phía sau. Cách sắp xếp này giúp tối ưu hóa sức mạnh bay, giảm tiếng ồn và nâng cao hiệu quả khí động học khi lơ lửng tại chỗ. Với kích thước gọn nhẹ và khả năng vận hành linh hoạt, phương tiện bay đeo người hứa hẹn ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như cứu hộ khẩn cấp, bảo trì hệ thống điện, vệ sinh nhà cao tầng, tham quan giải trí và tuần tra biên giới.

Điểm đặc biệt của phương tiện là khả năng đảm bảo an toàn tối đa cho người sử dụng. Trong trường hợp sự cố, phi công chỉ cần thao tác một nút bấm để tách khỏi thiết bị và triển khai dù ở độ cao thấp, đảm bảo hạ cánh an toàn. Hệ thống điều khiển được hỗ trợ từ trạm mặt đất cho phép chế độ bay tự động ổn định, giúp phi công có thể rảnh tay khi thực hiện các nhiệm vụ trên không.

Để đạt được tỷ số sức đẩy trên trọng lượng cao, nhóm nghiên cứu tại Zhiyuan đã tiến hành tối ưu hóa khí động học và phát triển hệ thống điện hiệu suất cao. Thông qua hợp tác với các trường đại học và loạt thử nghiệm bay thực tế, họ còn xây dựng được hệ thống điều khiển bay với khả năng chống nhiễu vượt trội, đảm bảo thiết bị vận hành an toàn trong môi trường phức tạp.

Sự kiện ra mắt phương tiện bay đeo người diễn ra cùng ngày với Cuộc họp mùa xuân của Diễn đàn Kinh tế Tầm thấp Toàn cầu lần thứ 2 tại Bắc Kinh. Tại đây, ông Luo Jun, Giám đốc điều hành Liên minh Kinh tế Tầm thấp Trung Quốc, nhận định rằng các dòng drone và eVTOL sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn trong tương lai, đặc biệt khi kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Ra mắt thiết bị bay cá nhân chạy điện đầu tiên trên thế giới, Trung Quốc biến viễn tưởng thành hiện thực
Thiết bị bay đeo người chạy điện được đưa vào trình diễn. Ảnh minh họa

>> Trung Quốc phát triển được cỗ máy siêu việt giá rẻ bằng 1/5 quốc tế, giải bài toán khiến kỹ sư Mỹ đau đầu suốt mấy chục năm

Theo dự báo, thị trường kinh tế tầm thấp tại Trung Quốc có thể vượt quy mô 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 137,23 tỷ USD) vào năm 2030. Đây được xem là một trong những lĩnh vực chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất hoạt động trong các ngành công nghiệp trọng yếu như nông nghiệp, năng lượng, vận tải và quản lý đô thị.

Sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện bay cỡ nhỏ và drone chuyên dụng đang làm thay đổi cách thức thực hiện nhiều công việc truyền thống, đồng thời mở ra thị trường dịch vụ hàng không tầm thấp mới mẻ và đầy tiềm năng.

Trước đó, vào tháng 8/2024, Trung Quốc cũng đã ghi dấu một bước tiến đáng kể khi Phòng thí nghiệm Tianmushan tại Hàng Châu cho ra mắt drone đa cánh quạt Tianmushan No.1 – mẫu drone đầu tiên trên thế giới sử dụng nhiên liệu hydro với tầm hoạt động lên tới 100 km. Thiết bị này đã chứng minh hiệu quả trong các ứng dụng như thăm dò dầu khí, kiểm tra hệ thống điện, cứu hộ khẩn cấp, bảo vệ rừng và giám sát tài nguyên nước.

>> Xpeng chuẩn bị cho ra mắt ô tô bay đầu tiên vào năm 2026