Quảng cáo "Hikid 100g bằng 20 lít sữa", doanh nghiệp thừa nhận chưa có cơ sở khoa học

Fanpage "Hikid Vietnam" quảng cáo sản phẩm Hikid với nhiều thông tin dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

"100g Hikid bằng 20 lít sữa tươi"

Những ngày qua, thông tin về một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá nhận được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng.

Chưa hết bức xúc với vấn nạn sữa giả, người tiêu dùng lại tiếp tục chỉ ra một số sản phẩm sữa bột lại quảng cáo "vống", quảng cáo "nổ", đơn cử như fanpage "Hikid Vietnam" có 10 nghìn lượt thích và 11 nghìn lượt theo dõi cùng các trang tiktok đang trở thành tâm điểm chú ý khi liên tục đăng tải loạt nội dung quảng cáo sản phẩm Hikid với nhiều thông tin dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Quảng cáo "Hikid 100g bằng 20 lít sữa", doanh nghiệp thừa nhận chưa có cơ sở khoa học- Ảnh 1.

Fanpage "Hikid Vietnam" sử dụng hình ảnh bác sĩ khuyên dùng sản phẩm sữa Hikid. (Ảnh chụp màn hình).

Theo thông tin trên trang facebook này, sản phẩm Hikid do Công ty TNHH XNK & TM Phương Linh (địa chỉ: 33 Nguyễn Như Đổ, Phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quận Đống Đa, Hà Nội) nhập khẩu và phân phối độc quyền tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cách thức quảng cáo trên fanpage lại thể hiện nhiều dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về quảng cáo thực phẩm chức năng.

Trong nhiều bài viết, video quảng cáo, fanpage này thường xuyên xuất hiện cụm từ "Hikid - số 1 chiều cao".

Đây là thông điệp do chính fanpage tự gắn vào nội dung quảng cáo sản phẩm, hoàn toàn không dẫn theo tài liệu hay cơ sở pháp lý được cơ quan chức năng tại Việt Nam xác nhận.

Trong một clip quảng cáo khác, hình ảnh hộp sữa Hikid còn được so sánh trực tiếp với sữa tươi qua câu quảng cáo gây sốc: "100g Hikid = 2mg CBP = 20L Sữa tươi".

Điều nguy hiểm hơn cả là cách so sánh kiểu này dễ khiến người tiêu dùng, đặc biệt là phụ huynh, ngộ nhận rằng sữa Hikid có giá trị dinh dưỡng vượt trội hơn hẳn sữa tươi thông thường, trong khi đây chỉ là thực phẩm bổ sung, hoàn toàn không thể thay thế thực phẩm chính hoặc có tác dụng thần kỳ như quảng cáo.

Để tăng độ tin cậy cho sản phẩm, fanpage Hikid Vietnam liên tục sử dụng hình ảnh nhiều người nổi tiếng trong nhiều video, bài viết quảng cáo sản phẩm.

Thậm chí, một số video quảng cáo còn sử dụng hình ảnh người mặc áo blouse trắng, tự giới thiệu là bác sĩ, khuyên dùng sữa Hikid để tăng chiều cao cho trẻ như bác sĩ Nhiên, bác sĩ Huy.

Dưới góc nhìn pháp lý, các luật sư cho rằng việc sử dụng hình ảnh bác sĩ trong quảng cáo sữa Hikid không chỉ vi phạm pháp luật mà còn dễ khiến người tiêu dùng ngộ nhận rằng đây là sản phẩm có tác dụng tương tự thuốc điều trị hoặc được y khoa khuyên dùng.

Theo đó, hành vi quảng cáo của fanpage Hikid Vietnam đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo, Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh.

Doanh nghiệp phân phối Hikid lên tiếng

Liên quan đến những nội dung quảng cáo trên, trên một số fanpage "Hikid - Cao Lớn Vượt Trội", fanpage "Hikid Việt Nam" cùng nhiều trang mạng xã hội khác đã đăng tải và chia sẻ tài liệu ký tên "Thông cáo báo chí làm rõ thông tin về sản phẩm Hikid và cam kết từ Công ty TNHH XNK & TM Phương Linh". Được biết, công ty này là đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền Hikid tại Việt Nam.

Trong thông cáo này, Công ty Phương Linh thừa nhận: "Liên quan đến các thông tin so sánh "hàm lượng 2mg CBP/100g bột sữa tương đương hàm lượng CBP có trong 20 lít sữa tươi", chúng tôi nhìn nhận sự thiếu sót rằng hiện chưa có cơ sở khoa học hoặc tài liệu quy đổi chính thức từ các cơ quan chức năng xác nhận con số cụ thể. Do đó, nếu những thông tin này đã được diễn đạt chưa đủ rõ ràng trong truyền thông, chúng tôi xác nhận và sẽ điều chỉnh lại theo hướng minh bạch hơn".

Quảng cáo "Hikid 100g bằng 20 lít sữa", doanh nghiệp thừa nhận chưa có cơ sở khoa học- Ảnh 2.

Quảng cáo "Hikid 100g bằng 20 lít sữa", doanh nghiệp thừa nhận chưa có cơ sở khoa học- Ảnh 3.

Các Fanpage đăng tải: "Thông cáo báo chí làm rõ thông tin về sản phẩm Hikid và cam kết từ Công ty TNHH XNK & TM Phương Linh" (Ảnh chụp màn hình).

Vụ sữa bột giả: Bộ Y tế truy hoạt động cấp phép, hậu kiểm

Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm, cần sớm vào cuộc, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi quảng cáo sai phạm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cũng cần đặc biệt tỉnh táo, không vội tin vào những lời quảng cáo thần kỳ về công dụng của thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em với lời hứa hẹn tăng chiều cao vượt trội.

Cũng trong ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Văn hóa cơ sở về việc phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm. Đồng thời, Cục cũng yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân nổi tiếng, những người đã tham gia quảng cáo các sản phẩm vi phạm, theo đúng quy định của pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh rằng các hoạt động quảng cáo thực phẩm phải tuân thủ đúng các quy định về bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo thông tin rõ ràng, chính xác, không gây hiểu nhầm về công dụng và chất lượng sản phẩm. Việc quảng cáo sai lệch không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm giảm niềm tin vào các sản phẩm thực phẩm hợp pháp.

Theo quy định tại khoản 15, Điều 34, Nghị định Số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt từ 60-80 triệu đồng.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2021 đến nay, thị trường thực phẩm có hơn 84.000 thực phẩm thông thường; 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng (29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; 23.133 thực phẩm bổ sung), trong đó đến 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất.

Thực hiện kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã xử phạt tổng cộng 87 cơ sở với số tiền lên đến 16,858 tỷ đồng, trong khi các cơ quan chức năng tại địa phương đã xử phạt 20.881 cơ sở với tổng số tiền lên đến 123,84 tỷ đồng.

Thanh Lam