Chủ tịch EVN: "Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á làm được điều này"

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng đầu tư năm 2024 của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 160.000 tỷ đồng, EVN chiếm 112.892 tỷ đồng, trên 70 %.
Chủ tịch EVN:

Sáng ngày 15/4, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Chủ tịch, Tổng giám đốc một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước được tổ chức với chủ đề: Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng. 

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tập đoàn đã đạt được thành công quan trọng là chế tạo thành công máy biến áp 500 kV. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á chế tạo thành công máy biến áp 500 kV. Cũng theo ông An, đây là bước tiến quan trọng trong việc làm chủ công nghệ và nội địa hóa thiết bị điện. EVN đang mở rộng sản xuất sang các thiết bị khác như kháng điện, tụ, biến dòng… nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu.

EVN xác định nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm cung ứng điện phục vụ tăng trưởng kinh tế. Dù chỉ chiếm khoảng 36% công suất và 41% sản lượng toàn quốc, EVN đã xây dựng kịch bản tăng trưởng điện năm 2024 ở mức 11%–13%. Sau quý I, nếu không có yếu tố bất thường, có thể yên tâm về cung ứng điện.

Tập đoàn tiếp tục là doanh nghiệp nhà nước có quy mô đầu tư lớn nhất trong khối. Năm 2023, tổng vốn đầu tư đạt 84.000 tỷ đồng. Năm 2024, EVN đã giải ngân 112.892 tỷ đồng, hoàn thành Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng (360 MW), đóng điện 216 công trình và khởi công 102 công trình từ 110 kV đến 500 kV. Mục tiêu năm nay là đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Bên cạnh đó, EVN đang đẩy mạnh tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao nhiên liệu và chi phí. Về chuyển đổi số, EVN đã triển khai cáp quang kết nối đến tất cả đơn vị cấp huyện. Trên 97% trạm biến áp 110 kV và 220 kV đã vận hành không người trực, dự kiến hoàn thành 100% trong năm nay. Các trạm 500 kV cũng đang được chuyển đổi.

Tất cả nhà máy điện đã có hệ thống điều khiển từ xa. Các công ty điện lực tỉnh có trung tâm điều khiển xa, công tác điều độ vận hành đang được hiện đại hóa. EVN hướng đến làm chủ công nghệ, không phụ thuộc thiết bị nhập khẩu. Đơn vị cũng từng bước áp dụng AI vào chẩn đoán, sửa chữa và bảo trì hệ thống điện.

EVN hiện có khoảng 36 hệ thống quản trị hoạt động hoàn toàn trên môi trường số. 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến cấp độ 4. Năm 2024, EVN tiếp nhận 3,78 triệu yêu cầu dịch vụ, 100% xử lý qua môi trường số. 99,15% hợp đồng điện được ký số, tiết kiệm khoảng 13,5 triệu trang giấy mỗi năm. 99,4% tiền điện được thanh toán không dùng tiền mặt, tương đương tiết kiệm 13.000 nhân công. 99,5% giao dịch được thực hiện trên môi trường số.

Trung tâm dữ liệu của EVN và các tổng công ty đang vận hành ổn định, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Việt Nam hiện xếp thứ 27/190 quốc gia về tiếp cận điện năng và thuộc Top 4 ASEAN. Năm 2024, EVN đạt mức độ chuyển đổi số cấp 4, đặt mục tiêu lên cấp 5 trong năm nay.

EVN đang cải tổ toàn diện quy trình nội bộ, bãi bỏ quy trình cũ và xây mới ngay từ quý I. Ông Đặng Hoàng An nhận định để chuyển đổi số hiệu quả, cần thay đổi phương thức làm việc và tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ để có thêm giải pháp phục vụ quản trị.