Phát triển hài hoà giữ trọn không gian xanh

Đông Anh phát triển đô thị hài hòa với môi trường, giữ gìn không gian xanh – sạch – đẹp, nâng cao chất lượng sống theo hướng văn minh, bền vững.

Giữ nguyên tắc hài hòa trong phát triển

Hưởng ứng phong trào thi đua "Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp" do Thành phố Hà Nội phát động, huyện Đông Anh thời gian qua đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động phát triển hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Huyện xác định rõ, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, mà xây dựng môi trường sống ngày càng xanh, sạch, văn minh, để mỗi người dân Đông Anh đều được hưởng niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn từ không gian sống đáng tự hào.

Để hiện thực hóa điều đó, Đông Anh đã xây dựng Đề án "Trồng và quản lý cây xanh giai đoạn 2018 – 2025 và các năm tiếp theo", trong đó chú trọng thực hiện các quy hoạch về diện tích mặt nước, thảm xanh, vườn hoa, công viên... đúng định hướng phát triển xanh.

Phát triển hài hoà giữ trọn không gian xanh- Ảnh 1.

Đông Anh đã xây dựng Đề án "Trồng và quản lý cây xanh giai đoạn 2018 – 2025 và các năm tiếp theo".

Huyện đã trồng được 111.281 cây đô thị và cây truyền thống, vượt mức tiêu chí về đất cây xanh công cộng của đơn vị hành chính cấp quận (đã đạt 10,1m2/người).

Không chỉ xanh, Đông Anh còn đặt mục tiêu làm sạch từ gốc. Công tác phân loại rác thải tại nguồn được triển khai đồng bộ tại 24 xã, thị trấn, đạt tỉ lệ tham gia 72%, góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

Đông Anh cũng là một trong những địa phương tiên phong vận động người dân hạn chế sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ, chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học thân thiện để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Trên toàn huyện đã có 108 điểm trung chuyển rác, đảm bảo thu gom 100% rác sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời, huyện đầu tư các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung theo quy hoạch, đặc biệt tại các khu dân cư, thôn, làng, tổ dân phố.

Còn "nhiều việc phải làm" để phát triển KHCN trong nông nghiệp và môi trườngNóc nhà in hình lá cờ Tổ quốc giữa không gian xanh ngát

Công tác giám sát môi trường được tăng cường tại cụm công nghiệp, làng nghề, doanh nghiệp và các dòng sông, kênh mương có nguy cơ ô nhiễm. Huyện đã xử lý 71 cơ sở vi phạm với tổng tiền phạt 2,175 tỷ đồng, không để phát sinh "điểm nóng" về ô nhiễm mới.

Không gian xanh còn được mở rộng nhờ 163 dự án cải tạo, chỉnh trang ao hồ tạo cảnh quan và điểm sinh hoạt cộng đồng. Mỗi ao hồ sau cải tạo đều trở thành công trình văn hóa – sinh thái phục vụ người dân thư giãn, rèn luyện sức khỏe và kết nối cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn "Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp" từ chính nơi ở, khu dân cư.

Ngoài ra, 100% khu vực đô thị và 98% khu vực nông thôn của Đông Anh đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, giúp đô thị rạng rỡ, an toàn hơn về đêm.

Hạ tầng giao thông cũng được chú trọng, với hơn 1.680 dự án đã và đang triển khai, mở rộng thêm 1.237km đường giao thông mới, góp phần hoàn chỉnh bộ mặt đô thị văn minh – sạch đẹp – kết nối thông minh.

Hạ tầng văn hóa – thể thao đồng bộ, nâng chất lượng sống người dân

Bên cạnh các thành tựu nổi bật về môi trường, Đông Anh cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao – một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sống tinh thần và thể chất của người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 250-NQ/HU của Huyện ủy về chương trình "5 có, 3 không", huyện đã đầu tư xây dựng mới, mở rộng, cải tạo, chỉnh trang, hoàn thiện và đưa vào sử dụng 154/155 nhà văn hóa thôn (đạt 99,3%) và 30/30 nhà văn hóa tổ dân phố (100%).

Dự kiến đến năm 2025, toàn huyện sẽ đạt 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa – vượt 10% chỉ tiêu Nghị quyết. Hiện tại, Đông Anh có 249 điểm sinh hoạt cộng đồng, 75 công viên mini, 80 điểm đỗ xe tĩnh kết hợp cây xanh và 654 thiết bị tập thể dục ngoài trời được lắp đặt tại 99 nhà văn hóa và điểm sinh hoạt cộng đồng.

Phát triển hài hoà giữ trọn không gian xanh- Ảnh 2.

Hạ tầng văn hóa – thể thao đồng bộ, nâng chất lượng sống người dân Đông Anh.

Huyện đã đầu tư và khai thác hiệu quả 9 trung tâm văn hóa – thể thao cấp xã, đồng thời phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 10 trung tâm khác, hướng đến hoàn thành chỉ tiêu 80% xã có trung tâm đạt chuẩn vào năm 2025.

Các công trình này không chỉ nâng cao đời sống văn hóa – thể thao mà còn là hạt nhân để phát động, lan tỏa các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu", hướng đến xây dựng xã thành phường theo tiêu chí đô thị hiện đại.

Đặc biệt, hai công trình văn hóa đô thị tiêu biểu là Nhà văn hóa và Nhà thi đấu đa năng huyện Đông Anh được đầu tư hiện đại, đồng bộ, mang kiến trúc độc đáo đậm bản sắc địa phương.

Đây là điểm nhấn kiến trúc văn hóa quan trọng có quy mô lớn, không chỉ phục vụ người dân trong huyện mà còn là điểm đến của khách du lịch tham quan, thưởng lãm – góp phần nâng tầm hình ảnh Đông Anh trên bản đồ của Thủ đô Hà Nội.