Công nghệ xanh giải bài toán rác thải nhựa trên đại dương

Thứ trưởng Bộ NN&MT nhấn mạnh, mỗi hành động nhỏ như phân loại rác hay nói không với sử dụng nhựa một lần đều góp phần xây dựng một Việt Nam xanh - một đại dương bền vững.

Chiều 28/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tổ chức họp báo khởi động chuỗi sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6), Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì Môi trường.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh, các hoạt động năm nay mang tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động thực chất nhằm hướng đến mục tiêu môi trường xanh, biển sạch và phát triển bền vững.

Công nghệ xanh giải bài toán rác thải nhựa trên đại dương- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Lê Minh Ngân.

Cùng với lễ phát động là hàng loạt hội thảo, triển lãm chuyên đề về thể chế, quy hoạch, điện gió ngoài khơi, ứng dụng AI trong truyền thông môi trường biển, kết nối đầu tư… nhằm tạo diễn đàn chính sách và thúc đẩy sáng kiến cụ thể.

Đáng chú ý, Lễ Mít-tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới sẽ diễn ra sáng 1/6 tại Tp. Hạ Long (Quảng Ninh), với nhiều mô hình mới như "Gửi rác rút tiền", trưng bày sản phẩm tái chế, giới thiệu mô hình sinh kế xanh. Song hành cùng đó là chiến dịch toàn quốc "Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh", được triển khai từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6/2025.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân kêu gọi toàn thể người dân Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo, hãy hành động mỗi ngày một việc nhỏ để cùng nhau xây dựng một Việt Nam xanh - một đại dương bền vững.

"Mỗi người dân nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như phân loại rác, nói không với nhựa dùng một lần, tiết giảm lãng phí để cùng nhau góp phần tạo ra những thay đổi lớn cho môi trường sống hôm nay và cho các thế hệ tương lai", ông Lê Minh Ngân nói.

Công nghệ xanh giải bài toán rác thải nhựa trên đại dương- Ảnh 2.

Trong giai đoạn 2025-2026, Bộ NN&MT sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp, đẩy mạnh trách nhiệm tái chế của các cá nhân, doanh nghiệp.

Ông cũng khẳng định các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân cả nước cần chủ động lồng ghép các hành động vì môi trường trong mọi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp nên đóng vai trò tiên phong trong việc đổi mới mô hình sản xuất, phát triển vật liệu thay thế nhựa, thân thiện với môi trường.

Thứ trưởng bày tỏ: "Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cùng sự lan tỏa mạnh mẽ của truyền thông và báo chí, những chủ đề Công nghệ xanh để đại dương bền vững và Chống ô nhiễm nhựa sẽ không chỉ là lời hiệu triệu, mà sẽ trở thành hành động cụ thể, kết nối sâu rộng, lan tỏa bền vững từ bờ biển đến vùng cao, từ thành thị đến nông thôn".

Đại diện Bộ NN&MT nhấn mạnh, biển không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn là biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền, văn hóa và khát vọng trường tồn của dân tộc. Mỗi sáng kiến xanh, mỗi hành động nhỏ của chúng ta hôm nay sẽ góp phần giữ gìn đại dương, không chỉ cho Việt Nam, mà cho cả nhân loại.

Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ NN&MT) Hồ Kiên Trung cho biết, hằng năm, thế giới sản xuất 430 triệu tấn rác thải nhựa và 2/3 trong đó là rác thải nhựa dùng một lần (dữ liệu của Liên hợp quốc). Trong đó, Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, đa số là chôn lấp và thiêu đốt, gây thất thoát nguồn tài nguyên. Chính phủ luôn chủ động đưa ra các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa.

Công nghệ xanh giải bài toán rác thải nhựa trên đại dương- Ảnh 3.

Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ NN&MT) Hồ Kiên Trung.

Từ năm 2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Trong giai đoạn 2025-2026, Bộ NN&MT sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp, đẩy mạnh trách nhiệm tái chế của các cá nhân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chuỗi các nhà tái chế đóng vai trò quan trọng và có giá trị lớn cho ngành tái chế của Việt Nam.

Ông Trung cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: "Hiện nay, về cơ sở hạ tầng và năng lực phân loại còn yếu, đầu ra rác thải thực phẩm chưa được kiểm soát tại các địa phương, Bộ NN&MT đã có hướng dẫn định mức thu gom chất thải, đôn đốc các địa phương, hình thành các doanh nghiệp tái chế chất lượng tại Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ninh".

Tìm ra hai giải pháp đột phá trong xử lý rác thải nhựa

Thông tin thêm tại tại họp báo, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết, đại dương là không gian sinh tồn rất quan trọng, là mắt xích cuối cùng tiếp nhận tất cả những hoạt động của con người. Phát triển kinh tế là nhu cầu nhưng bảo tồn, bảo vệ đại dương là yêu cầu bắt buộc.

Việc ứng dụng công nghệ, từ trí tuệ nhân tạo, cảm biến môi trường, đến các giải pháp kỹ thuật số theo dõi rác thải và giám sát sinh thái biển, sẽ giúp gia tăng hiệu quả quản lý, giảm thiểu ô nhiễm nhựa, đồng thời hỗ trợ các mô hình phát triển thủy sản, du lịch và giao thông biển thân thiện với môi trường.

"Thông qua tuần lễ năm nay, chúng tôi muốn nhấn mạnh vấn đề gốc rễ là phải phát triển kinh tế biển xanh, và trong đó, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là trung tâm. Đặc biệt điều này còn đặt trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57", ông Toàn nói.