Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu trên 4 triệu tấn ngô, tương đương hơn 1 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2024, lượng nhập khẩu giảm 4,6%, kim ngạch giảm 1,9%, với giá nhập khẩu trung bình khoảng 260 USD/tấn.
![]() |
Riêng trong tháng 5/2025, nước ta nhập hơn 1 triệu tấn ngô, trị giá 265 triệu USD, tăng 16% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh hoạ) |
>>Nga gửi sang Việt Nam hàng triệu tấn hàng giá rẻ: Trữ lượng của Moscow đủ dùng trong 500 năm, nước ta nhập khẩu đứng thứ 5 thế giới
Argentina tiếp tục là thị trường cung cấp ngô lớn nhất cho Việt Nam, chiếm gần 50% tổng lượng nhập khẩu, với sản lượng gần 2 triệu tấn, trị giá khoảng 517 triệu USD trong 5 tháng đầu năm. So với cùng kỳ 2024, lượng nhập khẩu từ Argentina giảm 2,8%, nhưng kim ngạch tăng nhẹ 3,7% nhờ giá tăng.
Brazil đứng thứ hai, với hơn 1 triệu tấn, tương đương 250,17 triệu USD, giảm 11% cả về lượng và kim ngạch.
Đáng chú ý, Lào bất ngờ vươn lên trở thành thị trường cung cấp ngô lớn thứ ba cho Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập hơn 47.000 tấn ngô từ Lào, trị giá 10,5 triệu USD, chiếm 1,4% về lượng và 1% về kim ngạch. Giá nhập khẩu trung bình từ Lào giảm 10%, còn 225 USD/tấn.
![]() |
Biểu đồ thể hiện 3 thị trường cung cấp ngô lớn nhất cho Việt Nam 5 tháng đầu năm 2025. |
Dù là một trong 30 quốc gia trồng ngô nhiều nhất thế giới, Việt Nam vẫn nằm trong top quốc gia nhập khẩu ngô lớn nhất toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc, châu Âu, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ai Cập. Nguyên nhân là do sản lượng trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh.
Sự dịch chuyển thị trường của Trung Quốc – khi chuyển hướng khỏi nông sản Mỹ đã mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Nguồn cung ngô giá rẻ từ Mỹ đang tràn vào khu vực, giúp nhiều nước như Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam hưởng lợi. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng ngô xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm 2024–2025 tăng hơn 30%, đạt 8,9 triệu tấn tính đến 15/5.
Dù kỳ vọng vụ thu hoạch tại Mỹ và Brazil sẽ bội thu, nhưng lượng tồn kho toàn cầu ở mức thấp đang giúp giá ngô duy trì ở mức ổn định và tránh giảm sâu. Theo dự báo, xuất khẩu ngô của Mỹ trong tháng 6/2025 sẽ tăng thêm 1 triệu tấn, đạt 67 triệu tấn, trong khi lượng hàng chưa thanh toán sang Hàn Quốc và Đài Loan tăng gấp đôi so với năm ngoái.
USDA ước tính tiêu thụ ngô toàn cầu trong niên vụ 2025/26 sẽ đạt 1,274 tỷ tấn, tăng 2%, vượt sản lượng năm thứ hai liên tiếp. Mức tiêu thụ tăng ở cả lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, hạt giống và công nghiệp (FSI), kéo theo lượng tồn kho cuối kỳ tiếp tục giảm, đặc biệt ở Trung Quốc và Brazil, dù Mỹ có tồn kho tăng nhẹ.
>>Thị trường hàng hóa phản ứng ra sao với thỏa thuận thuế quan mới giữa Mỹ và Việt Nam?