Nới room ngoại lên 49%: MB, VPBank và HDBank được lợi gì?

Từ ngày 19/5/2025, room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được nâng lên tối đa 49% thay vì giới hạn 30% như trước.

MB, VPBank và HDBank – ba ngân hàng đang tham gia quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém – là những cái tên được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này.

Theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP, tổng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc có thể vượt 30%, nhưng không quá 49% vốn điều lệ. Tuy nhiên, quy định không áp dụng với các ngân hàng mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn, như Vietcombank – nơi Ngân hàng Nhà nước đang nắm 74% cổ phần.

Các chuyên gia Chứng khoán ACBS cho rằng, quy định này tạo điều kiện cho MB, VPBank và HDBank – những ngân hàng thương mại cổ phần đã tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu – có thêm công cụ huy động vốn chiến lược.

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở cả ba ngân hàng vẫn thấp hơn mức trần: MB là 22,3%, VPBank là 24,3% và HDBank là 16,9%. Các ngân hàng này cũng đều đang khóa room ngoại dưới mức 30%.

Dù vậy, theo đánh giá của ACBS, việc nới room lên 49% chưa thể phát huy hiệu quả trong ngắn hạn, nhất là khi khối ngoại vẫn bán ròng mạnh cổ phiếu ngân hàng. Đáng chú ý, quy định nới room chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt, dự kiến kéo dài 5-10 năm. Sau giai đoạn này, tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ phải quay về dưới 30%, trừ khi chuyển nhượng nội bộ giữa các nhà đầu tư ngoại.

Nới room ngoại lên 49%: MB, VPBank và HDBank được lợi gì?
Nguồn: ACBS

>> Đếm ngược 10 ngày trước giờ G: Cuộc chơi tỷ đô M&A ngân hàng sẽ bùng nổ thế nào khi room ngoại mở toang?

Trong ba ngân hàng, HDBank được ACBS đánh giá là ứng viên có khả năng nới room ngoại sớm nhất. Ngân hàng này hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài và đang tích cực tìm kiếm đối tác phù hợp. Mặc dù hệ số an toàn vốn (CAR) của HDBank khá cao – khoảng 14%, nhưng phần lớn dựa vào trái phiếu cấp 2, khiến nhu cầu tăng vốn cấp 1 trở nên cấp thiết để giảm chi phí vốn dài hạn.

Với room ngoại theo điều lệ chỉ còn 0,65%, và dư địa theo luật vẫn còn khoảng 13,15%, việc mở room lên 49% có thể giúp HDBank dễ dàng tiếp cận nhà đầu tư chiến lược sở hữu từ 15–20% vốn. Điều này cũng sẽ góp phần hỗ trợ giá cổ phiếu và nâng cao vị thế ngân hàng trong trung và dài hạn.

Bên cạnh việc tận dụng dư địa room ngoại để thu hút vốn chiến lược, HDBank cũng đang theo đuổi một kế hoạch phát triển đầy tham vọng trong năm 2025. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 21.179 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước – một trong những mức tăng trưởng mạnh nhất toàn ngành.

Hiệu quả hoạt động tiếp tục được duy trì ở nhóm dẫn đầu với ROE dự kiến đạt 26,2% và ROA đạt 2,15%. Về quy mô, tổng tài sản được kỳ vọng đạt 890.442 tỷ đồng (tăng 28%), dư nợ tín dụng đạt 579.851 tỷ đồng (tăng 32%) và huy động vốn lên tới 792.812 tỷ đồng (tăng 28%). Tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát chặt dưới mức 2%, bảo đảm an toàn hệ thống trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, HDBank cũng thu hút sự chú ý khi công bố thành lập Tập đoàn tài chính – ngân hàng HD Financial Group. Mô hình này được xây dựng trên nền tảng hợp nhất nhiều thành viên gồm: Vikki Digital Bank, HD SAISON, HD Securities, HD Insurance, HD Capital và Đông Á Money Transfer. Sự hợp lực này không chỉ giúp HDBank mở rộng hệ sinh thái tài chính đa tầng, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược chuyển đổi số và tăng trưởng bền vững.

Nới room ngoại lên 49%: MB, VPBank và HDBank được lợi gì?
Hình ảnh tại Đại hội đồng cổ đông thường niên HDBank 2025. (Ảnh: HDBank)

>> Top 10 ngân hàng NIM cao nhất quý I/2025: HDBank nổi bật với hiệu suất toàn diện

Về phía MB, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái khẳng định việc nới room ngoại “không quá quan trọng” với ngân hàng. Ông cho rằng mục tiêu chính của room ngoại thường là thu hút nhà đầu tư chiến lược và nâng giá trị cổ phiếu, nhưng với MB, yếu tố cốt lõi vẫn là nội lực doanh nghiệp. MB hiện có cổ đông lớn là các tập đoàn nhà nước, trong đó nổi bật là Viettel – đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Mặc dù vậy, MB vẫn có kế hoạch góp tối đa 5.000 tỷ đồng vào ngân hàng MBV trong quá trình cơ cấu, và với hệ số CAR hiện khoảng 10%, ngân hàng này vẫn có thể cần tăng vốn cấp 1 trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể bị giới hạn do yếu tố sở hữu Nhà nước và nguy cơ pha loãng.

Trong ba ngân hàng, VPBank hiện đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là SMBC (Nhật Bản), đồng thời nắm 50% vốn tại công ty tài chính FE Credit. Dù hệ số CAR tương đương HDBank, nhưng phần lớn cũng dựa vào vốn cấp 2, và chưa đặt áp lực cấp thiết về tăng vốn trong ngắn hạn.

Với room ngoại hiện là 24,3%, VPBank có thể tận dụng chính sách mới để nâng tỷ lệ sở hữu nếu có kế hoạch tăng vốn, mở rộng đối tác chiến lược hoặc thoái vốn tại các công ty con.

Theo ACBS, Nghị định 69/2025 không chỉ mở cơ hội cho riêng nhóm ngân hàng đang nhận chuyển giao bắt buộc, mà còn là bước thí điểm thận trọng để Chính phủ đánh giá tác động thực tế của việc nới room ngoại đối với hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh khối ngoại đã bán ròng hơn 30.000 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng kể từ đầu năm 2024, chính sách mới này có thể là cú hích giúp đảo chiều dòng vốn và hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn.

>> Ngân hàng đầu tiên hiện thực hóa Nghị quyết 68 bằng loạt chính sách cụ thể