Nhà thuốc Long Châu, Bách Hóa Xanh cùng vượt mốc 2.000 cửa hàng trên toàn quốc, FPT Retail và Thế giới di động đã tới ngày hái quả?

Nhà thuốc Long Châu, Bách Hóa Xanh cùng vượt mốc 2.000 cửa hàng trên toàn quốc, FPT Retail và Thế giới di động đã tới ngày hái quả?

Thời điểm bắt đầu bước sang quý 2/2025 cũng là lúc chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh thuộc Đầu tư Thế giới Di động (MWG) chạm mốc 2.000 cửa hàng. So với đầu năm, quy mô Bách Hóa Xanh đã tăng tới 230 cửa hàng.

Cùng lúc, website Nhà thuốc FPT Long Châu thuộc FPT Retail (FRT) ghi nhận hệ thống có 2.008 điểm bán trên toàn quốc, tăng 65 cửa hàng sau 3 tháng đầu năm, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình vươn mình mạnh mẽ của chuỗi bán lẻ dược phẩm này.

Nhà thuốc Long Châu, Bách Hóa Xanh cùng vượt mốc 2.000 cửa hàng trên toàn quốc, FPT Retail và Thế giới di động đã tới ngày hái quả?- Ảnh 1.

Hành trình tăng trưởng thần tốc của chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu

Kể từ khi được FPT Retail mua lại vào năm 2017 với chỉ 4 cửa hàng tại TP.HCM, nhà thuốc Long Châu đã trải qua một hành trình phát triển đáng kinh ngạc. Quy mô phình to nhanh chóng, trở thành chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn nhất Việt Nam, bỏ xa các các đối thủ như Pharmacity hay An Khang. Hệ thống tới nay đã hiện diện tại tất cả 63 tỉnh thành với hơn 2.000 điểm bán, một con số mà ít doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm nào có thể mơ tới trong thời gian ngắn như vậy.

Thực tế, sự thành công của chuỗi Long Châu là kết quả của một chiến lược rõ ràng và bài bản. FPT Retail đã tận dụng kinh nghiệm bán lẻ từ mảng công nghệ (FPT Shop) và sự hỗ trợ mạnh mẽ về công nghệ từ Tập đoàn FPT để tối ưu hóa vận hành và quản trị. Việc ứng dụng công nghệ số bao gồm cả trí tuệ nhân tạo cũng giúp chuỗi nhà thuốc này xây dựng danh mục sản phẩm đa dạng, đáp ứng hơn 90% nhu cầu thuốc men của khách hàng. Đặc biệt, mô hình "đo ni đóng giày" cho từng vùng miền đã giúp chuỗi này chinh phục cả những thị trường khó tính như miền Bắc, nơi có rào cản lớn xuất phát từ thói quen mua sắm tại các nhà thuốc lẻ quen thuộc, rải rác trong khu dân cư.

Bên cạnh đó, Long Châu đã chọn cách tiếp cận khác biệt so với các đối thủ. Thay vì tập trung vào mô hình "siêu thị thuốc" với nhiều sản phẩm ngoài thuốc, Long Châu ưu tiên bán lẻ các sản phẩm thuốc kê đơn và dịch vụ tư vấn sau mua, chăm sóc sức khỏe chuyên sâu. Điều này không chỉ giúp chuỗi xây dựng uy tín với khách hàng mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá cả và độ bao phủ. Đi kèm với tốc độ mở cửa hàng nhanh tại các vị trí tốt qua đó giúp Long Châu dễ dàng gia tăng traffic và tạo điều kiện để nhân viên bán chéo thêm các sản phẩm khác có biên lợi nhuận tốt hơn.

Vị trí địa lý các cửa hàng cũng được quan tâm khi các cửa hàng sẽ được mở tại các khu vực trung tâm, gần bệnh viện, khu mua sắm và thuận tiện để người dân ghé vào mua thuốc. Mặt khác, không chỉ phát triển các cửa hàng vật lý, hiện người dân đã có thể dễ dàng mua thuốc trực tuyến an toàn, tiện lợi từ FPT Long Châu trên ứng dụng VNeID. Tổng hòa những yếu tố trên đã khiến Long Châu trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho FPT Retail. Ghi nhận trong năm 2024, chuỗi FPT Long Châu đạt 25.320 tỷ đồng doanh thu, chiếm 59% tổng doanh thu FRT và tăng 59% so với năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc duy trì khoảng 1,2 tỷ đồng/tháng.

Nhà thuốc Long Châu, Bách Hóa Xanh cùng vượt mốc 2.000 cửa hàng trên toàn quốc, FPT Retail và Thế giới di động đã tới ngày hái quả?- Ảnh 2.

Không dừng lại ở bán lẻ dược phẩm, Long Châu còn mở rộng sang lĩnh vực tiêm chủng với Hệ thống Tiêm chủng Long Châu, hiện đã đạt hơn 140 trung tâm và dự kiến cán mốc 200 trung tâm trong năm 2025. Đây là bước đi chiến lược nhằm xây dựng một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện, hứa hẹn mang lại nguồn doanh thu mới và củng cố vị thế dẫn đầu của FPT Retail trong ngành.

Trong báo cáo gần đây, SSI Research định giá Long Châu vào khoảng 36.754 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD, FPT Retail hiện sở hữu 75% cổ phần). Giá trị doanh nghiệp của chuỗi FPT Shop chỉ 1.754 tỷ đồng (FPT Retail sở hữu 100%). Một thông tin khác được đưa ra là việc Long Châu có kế hoạch tăng vốn, lãnh đạo FPT Retail tiết lộ có định hướng mới trở thành một công ty healthcare, mở rộng hệ sinh thái về sức khỏe bởi đây là mảng cực kỳ lớn với quy mô nhiều tỷ USD.

Bách Hóa Xanh: Từ lỗ nặng đến "con át chủ bài” cho MWG

Trong khi FPT Long Châu thống lĩnh mảng bán lẻ dược phẩm, Bách Hóa Xanh trở thành "ngôi sao sáng" trong lĩnh vực siêu thị bán lẻ hàng tiêu dùng. Thế nhưng khác với sự tăng trưởng thần tốc xuyên suốt của Long Châu, sự phát triển của chuỗi siêu thị thuộc MWG lại gập ghềnh hơn.

Bách Hóa Xanh từng trải qua giai đoạn khó khăn khi doanh thu không thể bù đắp chi phí, khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng trở thành gánh nặng cho MWG. Quy mô Bách Hóa Xanh từng chạm tới 2.140 cửa hàng vào giữa năm 2022, đây cũng là năm ghi nhận mức lỗ gần 3.000 tỷ của chuỗi siêu thị này.

Tuy nhiên MWG đã chính thức mở cuộc “đại phẫu” Bách Hóa Xanh, mạnh tay đóng hàng trăm cửa hàng kém hiệu quả và chuyển hướng sang mô hình siêu thị mini với trọng tâm là thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Sau hơn 2 năm tái cấu trúc mạnh mẽ, Bách Hóa Xanh đã lột xác để trở thành động lực tăng trưởng chính của MWG. Tính đến đầu tháng 4/2025, chuỗi này cũng chính thức chạm mốc 2.000 cửa hàng, địa bàn hoạt động tại TP.HCM, các tỉnh miền Nam và miền Trung. Doanh thu trung bình đạt khoảng 2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.

Nhà thuốc Long Châu, Bách Hóa Xanh cùng vượt mốc 2.000 cửa hàng trên toàn quốc, FPT Retail và Thế giới di động đã tới ngày hái quả?- Ảnh 3.

Kế hoạch trong năm 2025 Bách Hóa Xanh sẽ mang về tối thiểu 48.000 tỷ đồng doanh thu. Đây được xem là mục tiêu quan trọng nhất của chuỗi siêu thị mini trong năm nay, từ đó có thể tăng tổng lãi gộp. Con số lợi nhuận được hé lộ tối thiểu 500 tỷ đồng. Riêng trong 2 tháng đầu năm, doanh thu chuỗi đạt hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 29% trong tổng doanh thu MWG.

Theo dự kiến, Bách Hóa Xanh sẽ tăng trưởng doanh thu từ cả cửa hàng cũ, đồng thời mở mới 200-400 cửa hàng ở cả vùng đang kinh doanh và các tỉnh mới khu vực Miền Trung. Địa bàn kinh doanh sẽ phủ rộng từ khu vực Thanh Hóa trở vào, trong đó 70% số lượng điểm bán được mở ở khu vực miền Trung và 30% mở ở các địa phương hiện hữu, lãnh đạo MWG cho biết hiện không có rủi ro nào đối với việc mở mới.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đã từng khẳng định khi quy mô Bách Hóa Xanh đủ lớn, con số vài nghìn tỷ lợi nhuận xuất đầu lộ diện, đó là thời điểm chuỗi siêu thị này sẵn sàng bước lên sàn chứng khoán.

FRT và MWG hái quả ngọt từ "kỳ lân" bán lẻ?

Hai "kỳ lân" Nhà thuốc Long Châu và Bách Hóa Xanh không chỉ thay đổi thói quen mua sắm của người dân mà còn định hình lại thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Hai mũi nhọn này đang tỏ ra vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển của hai tên tuổi ngành bán lẻ. Với FRT, trong khi mảng FPT Shop dần bão hòa, FPT Long Châu hiện trở thành trụ cột, đóng góp hơn 60% doanh thu và mang lại biên lợi nhuận ngày càng cải thiện. Với MWG, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài gọi đây là con át chủ bài trong tăng trưởng của toàn tập đoàn trong 5 năm tới.

Dù vậy, cả hai chuỗi bán lẻ trên vẫn đối mặt với không ít thách thức. Với Long Châu, áp lực cạnh tranh từ các chuỗi nhỏ lẻ và nguy cơ bão hòa ở một số khu vực đô thị là điều cần lưu ý. Trong khi đó, Bách Hóa Xanh phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ như WinMart+ và sự biến động của chi phí nguyên liệu. Việc tiến công ra miền Trung sẽ gặp không tí khó khăn khi mức chi tiêu thấp hơn so với khu vực miền Nam, ngoài ra chiến lược “Bắc tiến” vẫn đang còn bỏ ngỏ.