ĐHĐCĐ Rồng Việt: Quý 1/2025 ước thực đạt 15% kế hoạch doanh thu cả năm, Chủ tịch chia sẻ về “cú sốc” thuế quan từ Mỹ

Trong kịch bản cơ sở, Rồng Việt nhận định VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.220 - 1.486 điểm kèm theo mức thanh khoản bình quân 22.000 - 24.000 tỷ đồng/phiên.

Chiều ngày 3/5/2025, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã chứng khoán VDS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 1.106 và 368 tỷ đồng; cùng phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng.

Trong kịch bản cơ sở, Rồng Việt nhận định VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.220 - 1.486 điểm kèm theo mức thanh khoản bình quân 22.000 - 24.000 tỷ đồng/phiên.

Theo đó, Rồng Việt xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025 (hợp nhất) với tổng doanh thu 1.106 tỷ đồng - tăng 6% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch 294 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước.

Hoạt động kinh doanh tiếp tục tập trung vào 5 trụ cột chính là kinh doanh môi giới, cho vay, ngân hàng đầu tư, đầu tư và quản lý tài sản (thông qua công ty con là CTCP Quản lý quỹ Rồng Việt).

Kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất được thảo luận và thông qua tại ĐHĐCĐ là kế hoạch phát hành tối đa 77 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ của Công ty lên 3.200 tỷ đồng trong năm 2025.

Cụ thể, trong đợt 1 Rồng Việt sẽ phát hành 24,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2024 và 4,7 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 1,93%) với giá 10.000 đồng/cp.

Đợt 2, Rồng Việt dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 48 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo ban lãnh đạo, việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ giúp Rồng Việt chủ động, linh hoạt hơn trong sử dụng nguồn lực tài chính, giảm áp lực huy động từ các nguồn vốn vay, tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường và tận dụng tốt hơn các cơ hội đầu tư. Nguồn vốn thu được sẽ bổ sung vốn kinh doanh cho các hoạt động giao dịch ký quỹ/ứng trước, tự doanh/bảo lãnh phát hành và tham gia hoạt động thị trường trái phiếu.

Bên cạnh kế hoạch tăng vốn điều lệ, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua tờ trình trích 1% lợi nhuận sau thuế riêng (tương đương gần 2,9 tỷ đồng) cho Quỹ thiện nguyện và 2% lợi nhuận sau thuế riêng (tương đương hơn 5,7 tỷ đồng) cho Quỹ khen thưởng và phúc lợi.

Năm 2024 tăng vốn lên 2.430 tỷ đồng

Năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất của Rồng Việt đạt 1.041 tỷ - hoàn thành 106% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 291 tỷ đồng – vượt nhẹ kế hoạch năm. Tại thời điểm 31/12/20024, 1uy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Rồng Việt cũng lần lượt tăng 20% và 16%, tương ứng đạt 6.395 tỷ đồng và 2.808 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của Công ty.

Năm qua, Rồng Việt đã tăng vốn điều lệ từ 2.100 tỷ đồng lên 2.430 tỷ đồng và phát hành 4 đợt trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng nguồn vốn huy động hơn 3.089 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ Rồng Việt: Quý 1/2025 ước thực đạt 15% kế hoạch doanh thu cả năm, Chủ tịch chia sẻ về “cú sốc” thuế quan từ Mỹ- Ảnh 1.

Thảo luận tại Đại hội

1. Nhiều công ty chứng khoán đặt kế hoạch Doanh thu, Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, Rồng Việt có vẻ hơi khiêm tốn. Ban lãnh đạo cho biết tại sao đặt kế hoạch tăng trưởng không cao?

Ông Nguyễn Miên Tuấn – Chủ tịch HĐQT: Năm nay chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, Chính phủ cũng đề mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đầu tư công cao… Nhiều CTCK bạn cũng đặt kế hoạch cao, trong khi Rồng Việt đề kế hoạch thấp hơn. Tôi xin nói một số lý do, năm 2025 là năm cuối cùng nhiệm kỳ 5 năm của Đại hội Đảng, Chính phủ đã có điều chỉnh mục tiêu tăng GDP trên 8% cùng yêu cầu đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư trong nước cũng như tiêu dùng nội địa.

Trong bối cảnh này, thì tất cả chúng ta đã thấy được xuất khẩu khó khăn do chính sách thuế mới từ Chính phủ Mỹ, nên Chính phủ cũng đã có đề hướng đẩy mạnh các mảng khác để đạt được mục tiêu chung.

Còn TTCK năm nay thì có một số câu chuyện:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế thông qua tăng GDP, điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng doanh thu lợi nhuận;

Thứ hai, tăng cung tiền. Điều này sẽ làm một vài tài sản hưởng lợi như bất động sản, chứng khoán.

Tuy nhiên, trong cơ hội vẫn có nhiều rủi ro, và chúng ta đã thấy khi hôm nay Mỹ công bố con số bất ngờ về mức trần thuế quan, và TTCK cũng đã phản ứng giảm về con số giảm cao nhất lịch sử (thời Covid-19, giai đoạn đầu năm 2022…).

Bên cạnh đó, áp lực về tỷ giá vẫn còn căng thẳng. So với các kỳ vọng thì chúng ta có nhiều kỳ vọng song thực tế điều này đã “treo nhiều năm”. Như với TTCK, kỳ vọng là áp dụng KRX song đang đối mặt với sự bán ròng từ khối ngoại. Thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh từ tháng 8 năm ngoái đến nay.

Các CTCK nếu chúng ta để ý thì những năm gần đây tăng vốn rất nhiều, đặc biệt sau khi chúng ta cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán không cần ký quỹ trước… do đó không phải ngẫu nhiên mà họ tăng kế hoạch kinh doanh mạnh.

Rồng Việt thì vẫn đang giữ mức vốn năm trước, chỉ tăng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nên chúng tôi đề ra kế hoạch thận trọng.

Chưa kể, theo dõi TTCK đầu năm nay, thị trường có tăng điểm nhưng chủ yếu đến từ đà tăng giá của nhóm Vingroup, nên thị trường chưa thực sự có gì khởi sắc. Đến thông tin bất ngờ như hôm nay, thì nhà đầu tư sẽ có xu hướng rút tiền về để chờ thêm thông tin từ mức thuế, bình tĩnh xem xét lại chỗ nào bị ảnh hưởng, chỗ nào không bị ảnh hưởng…

2. Về phân phối lợi nhuận, đề xuất 10% cổ phiếu thưởng, tôi cho rằng nên 2% tiền mặt và 8% cổ phiếu. Từ 2021 tới nay, Rồng Việt chưa chia tiền mặt cổ tức cho cổ đông?

Với đề xuất này cá nhân tôi tôi cũng thích. Nhưng Rồng Việt quy mô về năng lực tài chính hiện còn khiêm tốn. Và như mọi người nói CTCK bạn tăng vốn mạnh Rồng Việt có thấy áp lực chứ, vì tính cạnh tranh gia tăng. Và do vì tính cạnh tranh gia tăng nên chúng tôi phải đặt kế hoạch thận trọng. Vì dư địa thị trường còn nhiều, và các định chế tài chính có thể tham gia. Đúng là cạnh tranh nhưng có cái chúng ta tham gia được, có cái không tham gia được. Rồng Việt chủ trương muốn phát triển bền vững, tạo giá trị lâu dài cho cổ đông chưa không quá áp lực mà chạy theo mục tiêu ngắn hạn.

Mới đây tại một sự kiện anh Don Lam cũng đề xuất không được dùng từ “chơi chứng khoán”. Vì nếu dùng từ này thì vô tình thị trường như một sân chơi, trong khi nếu chúng ta tìm hiểu đầu tư thì thị trường có nhiều điều giá trị.

Do đó việc đề xuất chia tiền mặt, thì xin cổ đông thông cảm và cho phép chia bằng cổ phiếu để tăng vốn Công ty.

3. Nhiều CTCK có ngân hàng mẹ tích cực tăng vốn, Rồng Việt có áp lực không? Và năm nay có thực hiện được PHRL không, có đối tác chưa?

Có áp lực. Năm 2024 có mục tiêu tìm nhà đầu tư (NĐT), năm nay cũng vậy.

Khoảng 2 năm qua, các CTCK tăng năng lực tài chính bằng cách tìm kiếm đối tác chiến lược nhưng chưa hiệu quả, vì phần lớn tìm kiếm NĐT chiến lược là NĐT nước ngoài. Nhưng khi đồng USD mạnh, các đồng tiền khác mất giá thì NĐT nước ngoài đang cân nhắc.

Khi tìm đối tác chiến lược, bán tỷ lệ lớn thì thường ai cũng muốn bán được giá tốt đảm bảo quyền lợi cổ đông. Bởi vậy, nhiều đợt PHRL năm qua phần lớn chào bán cho NĐT chứng khoán chuyên nghiệp – thì phải ‘discount’ đâu đó 15-20% giá thị trường, vì họ phải nắm giữ hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm.

Theo đó, năm 2024, Rồng Việt cân nhắc điều này, có đối tác thì huy động được vốn nhưng ảnh hưởng lợi ích cổ đông. Giá thị trường 10 đồng mà chào bán NđT mới thấp hơn thì không ai vui.

Năm nay, có tăng vốn qua PHRL, còn thực hiện được không là không dám nói chắc, tuỳ thị trường nữa. TTCK 2025 có câu chuyện nâng hạng thì có thể nâng tầm TTCK Việt Nam lên nấc mới, hi vọng thu hút được vốn ngoại, thanh khoản tăng. Còn KRX cũng chưa biết tác động tới thanh khoản ra sao.

Rồng Việt ưu tiên tìm đối tác chiến lược để tăng năng lực tài chính, tạo thêm gia trị gia tăng trong dài hạn.

4. Ban Lãnh đạo chia sẻ KQKD quý 1/2025, mảng nào đóng góp nhiều nhất? Đầu tư là mảng mũi nhọn, thì sau quý 1, danh mục nắm giữ ngành nào nhiều nhất?

Quý 1 năm nay kết quả Công ty không được tốt như mọi năm, nguyên nhân TTCK chưa khởi sắc như đã nói. 4 năm qua thì quý đầu năm của Rồng Việt Tốt, nhưng năm nay dù có lãi vẫn còn xa so với kế hoạch cả năm.

Trong đó, quý 1/2025 Công ty chỉ thực hiện khoảng 15% mục tiêu doanh thu khoảng 6% mục tiêu lợi nhuận.

5. Tỷ lệ active của Rồng Việt và ngành chứng khoán, công ty có bình luận gì?

Năng lực cạnh tranh của Rồng Việt trong mảng môi giới cho vay còn bị hạn chế bởi quy mô về vốn. Do đó, để duy trì hiệu quả kinh doanh ở mức trên trung bình so với ngành thì phải chấp nhận rủi ro một tí và tập trung cho hoạt động tự doanh. Chúng tôi tự tin đội ngũ Rồng Việt có kinh nghiệm hơn 20 năm trên thị trường, hy vọng sẽ có hiệu suất tốt hơn.

Danh mục tự doanh Rồng Việt chủ yếu chọn những đơn vị có nền tảng tốt, có năng lực cạnh tranh và định giá còn hợp lý. Theo như BCTC, thì chúng tôi chia đều cho các mảng ngân hàng, tiêu dùng bán lẻ và bất động sản KCN. Chúng tôi cũng chia một phần cho công nghệ.

Cổ phiếu lớn nhất của Rồng Việt là Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC), tổng giá trị tính đến cuối quý 1/2025 khoảng 280 tỷ. Chúng tôi có thông tin KBC đã hoàn thiện pháp lý các dự án, sẽ hỗ trợ cho kinh doanh và giá cổ phiếu KBC.

Chúng tôi cũng chú trọng vào mã MWG của Thế giới Di động, ngân hàng thì có ACB của Ngân hàng Á Châu…

ĐHĐCĐ Rồng Việt: Quý 1/2025 ước thực đạt 15% kế hoạch doanh thu cả năm, Chủ tịch chia sẻ về “cú sốc” thuế quan từ Mỹ- Ảnh 2.