Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm bị khởi tố vì nhận tiền trong vụ thực phẩm chức năng giả

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can, khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với nhiều cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong đó có ông Nguyễn Thanh Phong nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm do liên quan đến hành vi tiếp tay cho sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng giả.

Theo kết quả điều tra mở rộng vụ án sản xuất, buôn bán thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả và vi phạm quy định về kế toán xảy ra tại Công ty MediPhar và các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA) đã thông đồng với một số cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm để “chạy giấy phép”, bỏ qua các vi phạm trong quy trình thẩm định và cấp phép.

Cụ thể, các cán bộ bị cáo buộc đã “bật đèn xanh” cho việc cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, cùng 207 giấy công bố sản phẩm cho 9 công ty liên quan, tạo điều kiện để nhóm của Mạnh sản xuất thực phẩm chức năng giả với quy mô đặc biệt lớn.

Danh sách các công ty được cấp phép bao gồm: MediPhar, MediUSA, MegaLife, Việt Đức, MegaPharco, Việt Pháp, Liên doanh USA, PharmaCist và VitaPhar.

Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm bị khởi tố vì nhận tiền trong vụ thực phẩm chức năng giả
Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng an toàn thực phẩm Bộ Y tế. Ảnh: Linh Đan

>> Danh sách 12 loại sữa giả Bộ Y Tế vừa chỉ đạo thu hồi

Ngày 12/5, cơ quan điều tra đã tiến hành các thủ tục tố tụng đối với 5 bị can tại Cục An toàn thực phẩm: ông Nguyễn Thanh Phong (nguyên Cục trưởng), ông Đinh Quang Minh (Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm), bà Nguyễn Thị Minh Hải (Phó Giám đốc), bà Lê Thị Hiên (chuyên viên) và ông Cao Văn Trung (Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc).

Trong số này, bà Hải được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, 4 người còn lại bị tạm giam.

Ông Phong làm Cục trưởng trong hai nhiệm kỳ, từ năm 2015 đến cuối 2024. Cục An toàn thực phẩm là đơn vị tham mưu, giúp Bộ trưởng Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với nhóm lãnh đạo các công ty liên quan như MediPhar, MegaLife, Việt Đức, với cáo buộc thành lập hệ thống công ty để hợp thức hóa quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm giả. Nguyên liệu phần lớn được nhập trôi nổi từ Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn mác giả mạo nguồn gốc từ Mỹ, châu Âu. Một số thành phần trong sản phẩm chỉ đạt dưới 30% hàm lượng công bố. Ngoài ra, nhóm bị can còn sử dụng hệ thống sổ sách kế toán kép nhằm trốn thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm các tổ chức và cá nhân có liên quan trong chuỗi sai phạm.

>> Bộ Y tế công bố danh sách 18 thực phẩm chức năng bị thu hồi của Công ty TNHH Abbott Healthcare Việt Nam