Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 4,82 triệu tấn phân bón với tổng trị giá gần 1,59 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng nhập khẩu tăng 30,9%, trong khi giá trị kim ngạch tăng 25,6%.
Riêng trong tháng 11/2024, Việt Nam nhập khẩu 474.847 tấn phân bón với tổng trị giá 157,05 triệu USD. Sự gia tăng đột biến trong tháng này cho thấy nhu cầu cao đối với các sản phẩm phân bón để phục vụ gieo trồng và canh tác.
Malaysia đang trở thành một đối tác quan trọng khi cung cấp cho Việt Nam hơn 76,5 nghìn tấn phân bón trong 11 tháng đầu năm, tăng mạnh 138% về lượng và 107% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá trung bình phân bón nhập từ Malaysia đạt 353 USD/tấn, giảm 8% so với mức giá trung bình 385 USD/tấn trong năm trước. Việc giảm giá đã khiến phân bón Malaysia trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho nông dân Việt Nam.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi gần 1,6 tỷ USD để nhập khẩu phân bón từ Malaysia. Ảnh minh họa |
>>Thuộc top 3 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới, Việt Nam chi tỷ đô để nhập mặt hàng này từ Campuchia và Trung Quốc
Bên cạnh Malaysia, Trung Quốc và Nga vẫn duy trì vai trò quan trọng trong việc cung cấp phân bón cho Việt Nam. Trung Quốc dẫn đầu với 43,7% lượng nhập khẩu và 42,4% kim ngạch, trong khi Nga đứng thứ hai với 11,3% tổng lượng và 14,3% tổng kim ngạch. Tính riêng, trong 11 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 2,1 triệu tấn phân bón từ Trung Quốc và 545.641 tấn từ Nga.
Với nhu cầu tiêu thụ phân bón đạt hơn 11 triệu tấn/năm, Việt Nam đang có nhu cầu cao đối với các sản phẩm như urê, DAP, NPK và kali. Riêng phân urê, công suất sản xuất trong nước ước đạt 3 triệu tấn/năm nhờ khai thác từ các mỏ khí như Bạch Hổ và Nam Côn Sơn.
Trong khi đó, phân kali là sản phẩm Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Nhu cầu về phân kali được duy trì ổn định khi ngày càng nhiều nông dân Việt Nam áp dụng các phương pháp canh tác hiện đại.
Các chuyên gia từ Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo giá phân bón chủ yếu như urê, DAP và kali sẽ giảm 3-8% trong năm 2025 so với năm 2024. Nguyên nhân chính là nhu cầu từ Ấn Độ và Brazil giảm, giá nguyên liệu đầu vào như khí và than hạ giá, cũng như giá nhiều loại nông sản chủ chốt giảm.
>> Mức phạt cho người sử dụng, buôn bán thuốc lá điện tử, ‘bóng cười’ từ 1/1/2025