Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy và Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh vừa có cuộc họp về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ lĩnh vực đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao.
Thiếu bộ tiêu chuẩn cho đường sắt tốc độ cao
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, những năm qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực đường sắt được Bộ GTVT quan tâm, đẩy mạnh.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trong hoạt động sản xuất như: Nghiên cứu ứng dụng tà vẹt sợi tổng hợp trong ghi và cầu thép đường sắt, nghiên cứu thử nghiệm và sản xuất thử nghiệm các loại tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực dùng cho ghi đường sắt, đường cong kính nhỏ, trên cầu có ray hộ bánh; Nghiên cứu thiết kế điển hình hệ thống tín hiệu móc nối giữa tín hiệu cảnh báo đường sắt và đường bộ tại các đường ngang giao cắt đồng mức; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm Trung tâm điều khiển kỹ thuật số (Computer Control System) cho đầu máy diesel truyền động điện công suất 1900 mã lực...
Về xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực đường sắt, đến nay hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn gồm có 11 quy chuẩn Việt Nam, 127 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), 38 tiêu chuẩn cơ sở. Hiện Bộ GTVT đang triển khai xây dựng 98 TCVN trong kế hoạch 2024, 2025.
Tuy nhiên, đường sắt tốc độ cao là loại hình đường sắt mới, chưa có ở Việt Nam, gồm nhiều chuyên ngành như công trình, cơ khí, vật liệu, điện, điện tử, thông tin tín hiệu, công nghệ thông tin... Thời gian qua, Bộ GTVT đã xây dựng và đề nghị Bộ KHCN công bố được 33 TCVN nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào hạ tầng, kết cấu công trình của đường sắt. Trong khi hệ thống đường sắt tốc độ cao mang tính liên ngành và đồng bộ rất cao, liên quan đến các chuyên ngành khác nhau như cơ khí, điện, điện tử, thông tin tín hiệu, điều khiển chạy tàu. Vì vậy cần thiết xác định đầy đủ, cụ thể các tiêu chuẩn chính trong đường sắt tốc độ cao và có các nghiên cứu toàn diện hơn trong thời gian tới.
Từ đây, định hướng việc phát triển khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp trong lĩnh vực đường sắt cần bám sát mục tiêu: Từng bước làm chủ công nghệ; Đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam từng bước làm chủ được thiết kế hệ thống; Xây dựng, bảo trì, sửa chữa công trình đường sắt, sản xuất được các vật liệu, vận tư, phụ tùng cho công trình.
Vận hành, bảo trì, sửa chữa, lắp ráp được đầu máy đường sắt dưới 200km/h, vận hành, bảo trì, cửa chữa đoàn tàu tốc độ cao; Sản xuất, bảo trì, sửa chữa được toa xe có vận tốc khai thác dưới 200km/h và toa xe đường sắt đô thị; Lắp đặt, bảo trì, sửa chữa và sản xuất được các vật tư, phụ tùng, phụ kiện, phần mềm... của hệ thống thông tin tín hiệu và hệ thống điện đường sắt tốc độ dưới 200km/h (bao gồm đường sắt đô thị); Vận hành, bảo trì, sửa chữa được hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện đường sắt tốc độ cao.
Cơ sở để lựa chọn công nghệ làm đường sắt tốc độ caoTheo Thứ trưởng Hoàng Minh, Bộ KHCN xác định phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực đường sắt là nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ KHCN, sẵn sàng phối hợp với Bộ GTVT. Ngoài các chương trình, nghiên cứu chung về lĩnh vực đường sắt thì việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đường sắt tốc độ cao rất quan trọng, cần được tiến hành sớm và phải đảm bảo hài hòa giữa ngắn hạn và dài hạn, giữa yếu tố kinh tế và an ninh quốc phòng, từ đó làm cơ sở để lựa chọn công nghệ, đối tác.
Đối với chuyển giao công nghệ, lãnh đạo Bộ KHCN cho rằng: Phải có định hướng chiến lược, xác định rõ cái nào phải mua, cái nào phải chuyển giao, tỷ lệ chuyển giao bao nhiêu, lộ trình ra sao. Điều này cần tính đến các yếu tố thị trường, năng lực và tiềm lực hấp thu công nghệ của Việt Nam, định hướng lan tỏa, phát triển đến mức độ nào. Cùng đó cần có cơ chế, chính sách đặc biệt để đảm bảo khả thi, hiệu quả.
Thống nhất với ý kiến của Bộ KHCN, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, việc xây dựng chương trình chuyển giao và phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực đường sắt không chỉ phục vụ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà cả nâng cấp các tuyến đường sắt quốc gia hiện có, xây dựng các tuyến đường sắt quốc gia mới, đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 7.000km, mở ra thị trường lớn cho các doanh nghiệp, nhất là trong phát triển công nghiệp đường sắt gồm: xây dựng, đầu máy toa xe, thông tin tín hiệu, cơ điện.
Tuy nhiên, đây là nội dung khó, cần phải có lộ trình, trên quan điểm đầu tư hiệu quả. Với từng khối: xây dựng, đầu máy toa xe, thông tin tín hiệu, cơ điện, phải xác định sẽ làm chủ được bao nhiêu để xây dựng lộ trình, định hướng đầu tư. Như với đường sắt tốc độ cao, giai đoạn đầu phải nhập khẩu đầu máy, toa xe, sau đó làm chủ với tỷ lệ nhất định; nhưng phải làm chủ được vận hành, khai thác, bảo trì hạ tầng.
Định hướng chung đối với phát triển công nghiệp đường sắt là chuyển giao công nghệ, từ đó có thể tự chủ đóng mới toàn bộ toa xe khách, toa xe hàng tốc độ dưới 200km/h. Từ nền tảng đó nghiên cứu lộ trình sản xuất một số bộ phận, thiết bị phục vụ đường sắt tốc độ cao.
Thứ trưởng đề nghị hai Bộ xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể để phối hợp kịp thời, hiệu quả trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ lĩnh vực đường sắt; trước mắt thống nhất nhiệm vụ của mỗi Bộ tại dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Phan Trang