Lợi - hại cho Việt Nam trước "sóng gió" chiến tranh thương mại thế giới

Trong bối cảnh nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, bà Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam cần tập trung giảm thiểu những thiệt hại và duy trì được quan hệ tốt, cân bằng với các đối tác quan trọng.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới đang leo thang, đặc biệt là xung đột giữa Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam đang đứng trước những thách thức chưa từng có.

Trong buổi họp thường kỳ ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất khó lường, tác động trực tiếp tới nước ta, nhất là tới xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô.

Theo đó, Thủ tướng đã đề nghị các đại biểu dự báo, phân tích thật sát tình hình thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề nổi lên, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu.

Kịch bản nào cho Việt Nam?

Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ có ảnh hưởng tới nền thương mại của các quốc gia khác. Trong đó, Việt Nam cần đặc biệt theo dõi, lường trước các diễn biến và có biện pháp ứng phó nhanh chóng, kịp thời.

“Mỹ và Trung Quốc đều là 2 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc lại là thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Đáng chú ý, nhiều ngành hàng, nguyên liệu Việt Nam nhập khẩu khẩu từ Trung Quốc nhằm mục đích sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ”, bà Phạm Chi Lan nói.

Trong bối cảnh hiện nay, bà Lan cho rằng điều quan trọng nhất Việt Nam cần làm là giảm thiểu những thiệt hại và duy trì được quan hệ tốt, cân bằng với các đối tác quan trọng trên thế giới.

Lợi - hại cho Việt Nam trước "sóng gió" chiến tranh thương mại thế giới- Ảnh 1.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang lại cả 2 chiều lợi và hại cho phía Việt Nam. Về mặt lợi, việc Mỹ đánh thuế cao những mặt hàng của Trung Quốc thì những mặt hàng xuất khẩu tương tự của Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn. Như vậy, Việt Nam có thể đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ nhiều hơn với mức giá dễ chịu hơn. Rõ ràng là lợi ích đem lại tốt hơn cho các cái nhà xuất khẩu Việt Nam

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, khi xảy ra chiến tranh thương mại giữa 2 cường quốc hàng đầu thì thương mại toàn cầu cũng giảm sút và dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung cũng sẽ có chiều hướng giảm đi.

“Điều này sẽ có tác động chung tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt Trung Quốc họ sẽ có những hành động đổi tên, đổi xuất xứ thành thương hiệu Việt Nam để có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ”, ông Thịnh nói.

Đáng chú ý, Trung Quốc sẽ chú trọng đầu tư vào Việt Nam, giúp Việt Nam gia tăng lượng vốn vào sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Thế nhưng điều đáng lo ngại là Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chỉ để thành lập các doanh nghiệp rồi nhập các phụ kiện máy móc từ Trung Quốc sang và lắp ráp, hoặc thay tên sản phẩm rồi xuất khẩu.

Lợi - hại cho Việt Nam trước "sóng gió" chiến tranh thương mại thế giới- Ảnh 2.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang lại cả 2 chiều lợi và hại cho phía Việt Nam.

“Dù sản phẩm vẫn là Made in Vietnam, nhưng rõ ràng Mỹ không thể chấp nhận được việc này và sẽ đánh thuế rất cao”, PGS.TS. Nguyễn Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Ví dụ như trước đây khi mà Tổng thống Donald Trump lên làm Tổng thống lần đầu tiên, mặt hàng sắt thép của Việt Nam đã phải chịu thuế xuất đến 674% khi phát hiện ra đó là sắt thép từ Trung Quốc và chỉ “rửa nguồn gốc xuất xứ" rồi gắn thương hiệu Việt Nam. Như vậy, cả ngành thép Việt Nam đã phải chịu mức thuế rất cao từ Chính phủ Mỹ. Do đó, đây cũng là một trong những nguy hiểm khi Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Trong bối cảnh này, chuỗi cung ứng toàn cầu trước hết sẽ có dịch chuyển từ các doanh nghiệp của Trung Quốc, bản thân doanh nghiệp Trung Quốc sẽ dịch chuyển sang Việt Nam. Đồng thời là sự dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Trung Quốc. Khi thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc cao quá, các doanh nghiệp này sẽ sang Việt Nam và các nước xung quanh.

“Như vậy, Việt Nam sẽ có được dòng dịch chuyển vốn đầu tư, giúp cho sự tăng trưởng phát triển nền kinh tế của chúng ta”, ông Thịnh nói.

Theo đó, chuỗi cung ứng cũng sẽ thay đổi, dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á để sản xuất kinh doanh và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đi các quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt chú trọng cạnh tranh công nghệ cao

Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết trong điều kiện hiện nay, một phần Việt Nam phải cải thiện môi trường đầu tư để tăng cường thu hút cái vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường cái năng lực sản xuất kinh doanh của Việt Nam.

Đồng thời chuẩn bị tinh thần phát triển cái cơ sở hạ tầng để mà phát triển cái giao thông vận tải, logistics cũng như phải có nỗ lực trong cái việc thu hút các dự án công nghệ cao.

“Thậm chí có thể quy định tỉ lệ bao nhiêu % giá trị tăng thêm của sản phẩm thì mới gắn mác là Made in Vietnam chứ không phải là chỉ có 3-5% rồi cũng gắn mác Việt Nam thì Mỹ và các nước sẽ không chấp nhận. Chúng ta trở thành nơi mà “rửa xuất xứ” thì không ổn”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Lợi - hại cho Việt Nam trước "sóng gió" chiến tranh thương mại thế giới- Ảnh 3.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng Việt Nam phải cải thiện môi trường đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, mặc dù Việt Nam không phải là đối thủ cạnh tranh của Mỹ như Trung Quốc, nhưng việc xuất siêu quá nhiều sang Mỹ như ông Trump đã đe dọa thẳng từ nhiệm kỳ trước, Việt Nam vẫn có thể lọt vào tầm ngắm để Mỹ đánh thuế nhiều hơn.

“Với tư cách là một nước làm gia công, kim ngạch xuất khẩu nghe thì tưởng là Việt Nam hưởng và Việt Nam xuất siêu sang Mỹ nhưng thực chất phần xuất siêu đó người được hưởng lợi lớn nhất chính là các công ty Mỹ đặt hàng ở Việt Nam”, vị chuyên gia giải thích.

Các thương hiệu như Nike, Calvin Klein,… đặt hàng gia công ở Việt Nam vì Việt Nam mang lại lợi nhuận tốt nhất cho họ so với các nước khác cũng như so với làm tại chính nước Mỹ. Vì vậy, khi xuất khẩu hàng từ Việt Nam sang thực chất là xuất khẩu hàng của Mỹ.

Tuy nhiên, những hàng hóa xuất khẩu này lại được tính là xuất siêu. Vì vậy, phía Việt Nam nên có thêm quan hệ vận động, làm việc thêm với những tổ chức như Hiệp hội các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) hoặc là các Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ liên quan, các nhà nhập khẩu của Mỹ đang nhập hàng Việt Nam. Từ đó làm rõ và cùng nhau vận động để những biện pháp thuế đối Việt Nam đỡ khắc nghiệt hơn và vẫn có thể mang lại lợi ích cho cả 2 bên.

Song song đó, nếu muốn tiếp tục duy trì mức độ xuất khẩu cao thì phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ. Ngoài những mặt hàng lớn, ví dụ như máy bay Boeing và một số thiết bị lớn, trong các ngành hàng đều có thể tìm được một cái phần nào đó để nhập khẩu từ Mỹ. Ví dụ đối với dệt may, bông sợi cũng có thể nhập khẩu từ Mỹ một phần.

Đồng thời có nhiều lĩnh vực hiện nay, nhất là đòi hỏi về công nghệ, về chuyển đổi số chuyển đổi xanh, Mỹ có công nghệ tốt có thể tăng cường hợp tác, nhập khẩu về công nghệ. Đây vừa là đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam và vừa tăng thêm phần nhập khẩu của Mỹ.

Đặc biệt, trong thu hút đầu tư nước ngoài, những nghị quyết của của Đảng, của Nhà nước đưa ra là rất đúng, cần điều chỉnh việc đầu tư nước ngoài chú trọng đến chất lượng dự án đầu tư hơn là số lượng. Chú trọng về khả năng công nghệ chứ không nhất thiết là quy mô lớn.

Theo như đánh giá của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tình trạng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam lâu nay đa phần là công nghệ thấp hoặc là trình độ công nghệ trung bình. Gần như không có công nghệ cao, kể cả trong lĩnh vực công nghệ cao như của Samsung, Intel cơ bản vẫn làm gia công giá rẻ.

Lợi - hại cho Việt Nam trước "sóng gió" chiến tranh thương mại thế giới- Ảnh 4.

Việt Nam cần tập trung chú trọng đến công nghệ, nguồn lực chất lượng cao.

Vì vậy, chúng ta cần mở rộng học hỏi hoặc hợp tác công nghệ với những nước như Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan hoặc Bỉ,... chứ không không nên quá ham tập trung quan hệ với các nước lớn.

Đặc biệt, ngay gần Việt Nam hơn là Australia hay New Zealand cũng có những công nghệ trong các ngành khác nhau, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, rất đáng để học hỏi và tiếp thu. Vì quy mô của các quốc gia này khiêm tốn hơn nhưng khả năng cởi mở hơn rất nhiều so với các nước lớn.

Đáng chú ý, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra phần lớn các nghiên cứu trên thế giới không coi giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là vấn đề chiến tranh thương mại mà là một cuộc cạnh tranh chiến lược. Đặc biệt trong đó vấn đề cạnh tranh về công nghệ được đặc biệt chú trọng.

Tuy nhiên, những biểu hiện về cạnh tranh công nghệ sẽ khó nhận thấy hơn, thương mại dễ biểu hiện nhất và có nhiều công cụ có thể áp dụng nhất.

“Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung có nhiều mặt và cạnh tranh về công nghệ là một vấn đề rất lớn, rất cần được quan tâm. Đặc biệt đối với mình là nước mà đang rất mong muốn phát triển về công nghệ, coi công nghệ là nền tảng quan trọng cho phát triển trong tương lai khi mình muốn đạt mức tăng trưởng 8% năm nay hoặc là 10% liên tục trong 20 năm”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Nếu chỉ về thương mại, Việt Nam vẫn đang ở vị thế là nước chỉ làm được những lĩnh vực lao động giá rẻ.

“Chúng ta cần tập trung chú trọng đến công nghệ, nguồn lực chất lượng cao để làm được những lĩnh vực có giá trị gia tăng nhiều hơn”, vị chuyên gia nói.

Kể cả khi Việt Nam tiếp tục làm gia công thì phải làm nhiều hơn, ví dụ như những mặt hàng mang tính chất lượng công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và triển khai (R&D) tại Việt Nam.

“Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”

Về phía doanh nghiệp, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh là chuyện thường xuyên doanh nghiệp phải làm, dù có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay không. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay thì càng phải làm nhiều hơn và càng phải thận trọng xem xét kỹ nhiều mặt hơn so với trước.

Trong bối cảnh chung của cạnh tranh, khi Việt Nam là một nền kinh tế mở, tham gia nhiều FDI và giao thương hàng hóa, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam liên tục nâng cao được năng lực cạnh tranh có khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa lớn hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp không vươn lên được, hoặc quá chủ quan với những kết quả đã làm được sẽ sớm bị “đào thải” ra khỏi cuộc chơi.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần quan sát kỹ và tính toán thận trọng hơn các quan hệ, các giao dịch của mình. Nhất là khi có có dịch trực tiếp với Mỹ và với Trung Quốc. Khả năng Mỹ đặt thuế cao hơn cho Việt Nam là hoàn toàn có thể có vì Việt Nam đang là một trong những quốc gia xuất siêu nhiều nhất sang Mỹ.

Lợi - hại cho Việt Nam trước "sóng gió" chiến tranh thương mại thế giới- Ảnh 5.

Doanh nghiệp Việt Nam nên tính đến việc đa dạng hóa thị trường hơn.

Doanh nghiệp Việt Nam nên tính đến việc đa dạng hóa thị trường hơn. Bởi vì một số doanh nghiệp Việt thường chỉ tập trung thị trường Mỹ hoặc thị trường Trung Quốc, việc lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào quá nhiều, kể cả về xuất khẩu cũng như về nhập khẩu đều không tốt.

“Để làm kinh doanh thì bất kỳ ai cũng phải biết phương châm của người Anh là “Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ” nên mình bỏ quá nhiều trứng của mình vào một "giỏ" Mỹ hoặc là Trung Quốc thì đều không không tốt cho các doanh nghiệp. Cho nên rất cần tìm kiếm thêm các thị trường khác, nhất là khi Việt Nam có rất nhiều FTA, đừng để phí các FTA đã có”, chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên.

Theo bà Phạm Chi Lan quan sát, các FTA mà Việt Nam ký với các nước thì các doanh nghiệp nước ngoài tận dụng được rất tốt. Ví dụ như Hàn Quốc, quan hệ thương mại 2 nước tăng trưởng mạnh nhưng chủ yếu là ở các doanh nghiệp Hàn Quốc. Kể cả các chiều xuất từ Việt Nam sang Hàn cũng là ở các doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng được, còn các doanh nghiệp Việt Nam thì lại không không làm được như phía Hàn Quốc.

Vì vậy, Việt Nam rất nên đa dạng hóa các thị trường, kể các nước cường quốc bậc trung hoặc cường quốc nhỏ đi chăng nữa. Các quốc gia có sức mạnh về kinh tế, sức mạnh về công nghệ thì nên mở rộng hợp tác với họ.

“Đừng coi nhẹ những thị trường nhỏ, nhỏ của họ nhiều khi vẫn là to đối với sản phẩm của mình. Vào được không phải là dễ dàng, nhưng vào được là cơ hội rất quý để chúng ta đa dạng hóa thị trường của mình”, bà Phạm Chi Lan nói.

TIN LIÊN QUANThủ tướng: Chuẩn bị cho khả năng chiến tranh thương mại thế giới trong năm nayLo ngại về chiến tranh thương mại, chứng khoán châu Âu tiếp tục giảmLo ngại về chiến tranh thương mại, chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm

Đặc biệt, bản thân các doanh nghiệp khi đi tìm kiếm đối tác nên chú trọng các đầu tư công nghệ cao, tránh đi những đầu tư công nghệ thấp từ nước ngoài. Nếu chúng ta cứ làm gia công thì không bao giờ vượt lên được. Cần chọn lọc và làm việc với các đối tác có thể mua hoặc được họ chuyển giao công nghệ.

“Đừng tìm, đừng ham tìm những đối tác quá to, những doanh nghiệp quá nổi tiếng trên thế giới. Nhiều khi ở các nước như Bắc Âu có nền tảng phát triển rất vững chắc là nhờ đổi mới công nghệ liên tục. Dù chỉ tập trung vào một vài ngành công nghệ nhưng họ làm rất giỏi nên vẫn sống được, vẫn tồn tại trường trong sự cạnh tranh trên thế giới”, vị chuyên gia đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp.

Đồng thời, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh số hóa của các doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ góp phần cắt giảm được các chi phí cho doanh nghiệp và nâng cao được cái hiệu quả kinh doanh.

“Các doanh nghiệp Việt Nam phải có liên kết, liên doanh với nhau để tạo ra các cái chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị. Từ đó có thể cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Thịnh nói.

Để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cũng như khả năng cạnh tranh thì việc rất quan trọng là chúng ta phải đẩy mạnh hoạt động đổi mới khoa học công nghệ. Đặc biệt là công nghệ sản xuất, ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động.

“Trong điều kiện nền kinh tế thế giới cũng như người tiêu dùng đang yêu cầu sản phẩm ngày càng xanh hơn, sạch hơn thì việc ứng dụng công nghệ xanh, tiết kiệm chi phí, nguyên nhiên vật liệu, năng lượng cũng là một cái bài toán mà các doanh nghiệp cần phải có cái nỗ lực. Để từ đó chúng ta có thể xâm nhập được các thị trường khó tính và đáp ứng trào lưu xanh hóa hiện nay của người tiêu dùng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.