Lần đầu tiên, một chuỗi cầm đồ tuyên bố sẽ trả lại tiền cho khách nếu bán tài sản thu về nhiều tiền hơn số nợ

Chuỗi cầm đồ sẽ xây dựng hình ảnh không phải là một tổ chức “cho vay nặng lãi”, mà nhấn mạnh tính nhân văn và chính trực.

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư (Investor Meeting), Chủ tịch HĐQT CTCP Thế Giới Số (Digiworld, mã chứng khoán: DGW) Đoàn Hồng Việt đã có những cập nhật mới nhất về hệ thống cầm đồ Vietmoney.

Theo ông Đoàn Hồng Việt cho biết chuỗi đang trong quá trình tái cấu trúc, thay đổi toàn bộ từ danh mục sản phẩm đến bộ nhận diện thương hiệu.

“Thực tế, đây là ngành hàng có thể dễ dàng tăng doanh thu rất nhanh nếu “dễ dãi” hơn trong việc cho vay, tuy nhiên hệ lụy sau đó sẽ là nợ xấu. Digiworld không lựa chọn hướng đi này, danh mục cho vay cầm cố sẽ cần giảm xuống, quy mô các cửa hàng cũng sẽ được điều chỉnh để phù hợp hơn. Bên cạnh đó, nhận dạng thương hiệu cũng sẽ được thay đổi nhằm thân thiện hơn với người dùng, không phải hình ảnh của một tổ chức “cho vay nặng lãi”, mà nhấn mạnh tính nhân văn và chính trực.

Vietmoney sẽ là đơn vị duy nhất trong ngành sẽ trả lại tiền cho khách hàng nếu bán sản phẩm cầm cố thu được nhiều tiền hơn số tiền mà khách hàng đang nợ. Chúng tôi cũng nhấn mạnh vào tính chính trực, ví dụ khách hàng cần 10 triệu, dù sản phẩm thế chấp có thể vay tối đa 20 triệu nhưng sẽ không vì chạy thei doanh thu mà muốn khách hàng vay toàn bộ 20 triệu. Chúng tôi sẽ chỉ khuyến khích khách hàng vay vừa đủ, tránh gánh nặng lãi suất cao”, ông Việt chia sẻ.

Theo Chủ tịch Digiworld, chuỗi Vietmoney định hướng là địa chỉ cho khách hàng cần tiền gấp để giải quyết vấn đề cấp bách trong cuộc sống.

Tại thời điểm cuối năm 2024, Digiworld nắm gần 79,3% vốn CTCP Việt Money Holdings. Ông Việt từng chia sẻ việc M&A chuỗi cầm đồ này có thể giúp Công ty đưa ra giải pháp thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng. Hơn nữa, sát nhập Vietmoney vào hệ sinh thái cũng nằm trong chiến lược mới là đang nghiên cứu khả năng kinh doanh các sản phẩm đã qua sử dụng (secondhand).

Thị trường này theo ông Việt tiềm năng còn khá lớn nhưng lại chưa có doanh nghiệp lớn nào tham gia vào phân khúc này. Khi, hiện có hơn 40% thiết bị đang kết nối mạng trên thị trường là điện thoại iPhone, song lượng iPhone bán mới chỉ chiếm 13 - 18% tùy từng quý. Như vậy lượng iPhone cũ đang hòa mạng gấp đôi lượng máy mới được bán hằng năm. Dòng điện thoại này có vòng đời khoảng 6 năm, và khoảng 2 - 3 năm người dùng sẽ đổi máy mới. Do đó, quy mô thị trường điện thoại đã qua sử dụng ở mức lớn. Đồng thời, biên lợi nhuận của các sản phẩm đã qua sử dụng cũng cao hơn máy mới, ông Đoàn Hồng Việt tiết lộ.

Bên cạnh đó, ông Đoàn Hồng Việt cho biết các tổ chức cho vay tiêu dùng đang ngày một thận trọng hơn trong việc giải ngân, từ đó đã tác động tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng đối với các sản phẩm do DGW phân phối. Do đó, chuỗi cầm đồ Vietmoney và DGW có thể kết hợp để đưa ra giải pháp người tiêu dùng có thể bán điện thoại cũ để mua điện thoại mới.