Giám đốc chiến lược VPBankS: Khi "cơn bão" thuế quan giảm dần và qua đi, xu hướng mua ròng của khối ngoại có thể quay trở lại

Theo chuyên gia, khi KRX được áp dụng, các sản phẩm mới sẽ được áp dụng cho thị trường và đây là yếu tố quan trọng cho tiến trình nâng hạng sắp tới.

KRX có thể vận hành ngay trong tháng 5

Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định thông tin ông Donald Trump dự kiến đánh thuế với sản phẩm thép nhập khẩu khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng và dẫn đến áp lực chốt lời ngắn hạn.

Tuy nhiên lực cầu duy trì tích cực đã giúp thị trường nhanh chóng vượt qua những biến động này và lấy lại cân bằng vì thông tin áp thuế mới chỉ là bước đầu và tác dụng đối với ngành thép Việt Nam là không quá lớn.

Chuyên gia đánh giá 70% khả năng thị trường rung lắc xoay quanh ngưỡng 1.275 điểm và tích lũy quanh vùng này trước khi đi lên. Những biến động sau dịp Tết Nguyên đán chỉ là rung lắc, thị trường đã có ngưỡng hỗ trợ rất cứng ở vùng 1.250 – 1.260 điểm. Sau những nhịp này, khả năng VN-Index vẫn có thể kiểm nghiệm lại những vùng kháng cự cao hơn như 1.280 hay sát 1.300 điểm.

Nhìn về trung hạn, ông Sơn cho rằng trong nửa đầu năm, thị trường dễ ảnh hưởng về mặt thông tin, đặc biệt là những chính sách thuế hay yếu tố liên quan đến tỷ giá sẽ khiến VN-Index khó vượt 1.300 điểm. VN-Index vẫn có thể sẽ lặp lại kịch bản của năm 2024 khi vượt qua 1.300 điểm trong thời gian ngắn nhưng sau đó dễ điều chỉnh trở lại.

Do vậy, trong nửa đầu năm, về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index đã tạo ra một vùng giá, với đáy dưới là 1.250 điểm và biên trên là 1.285 – 1.305 điểm. Với biên rất cứng như vậy, chiến lược trong 6 tháng đầu năm vẫn là giao dịch (trading) trong biên. Cổ phiếu chạm nền cao thì nên chốt lời và canh mua trở lại trong vùng điều chỉnh.

Tuy nhiên, kể từ sau tháng 8-9, khả năng chỉ số chung sẽ vượt 1.300 điểm với nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực. Sau báo cáo KQKD quý IV, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết Việt Nam là 22%, con số này là nền tảng rất tốt cho cổ phiếu. Trong năm 2025, khó khăn vẫn còn nhưng tốc độ phục hồi rất nhanh sẽ là điểm tựa rất tốt, tạo nền tảng cho tăng trưởng lợi nhuận 20 – 25% năm 2025.

Từ mức tăng trưởng lợi nhuận trên, có thể suy ra định giá của thị trường đang khá rẻ. P/E forward của VN-Index hiện chỉ ở mức 10 lần thôi, P/B ở mức 1,6. P/E hiện là thấp nhất trong nhiều năm, cho thấy sự hấp dẫn về mặt định giá trung – dài hạn.

Bên cạnh đó, chúng ta còn một câu chuyện rất lớn trong năm nay là nâng hạng. Tháng 3 tới đây, FTSE Russell sẽ tiếp tục đưa ra đánh giá mới sau khi Việt Nam áp dụng yếu tố non-prefunding. Kỳ đánh giá tháng 3 sẽ rất quan trọng cho tháng 9. Nếu kỳ tháng 3 tích cực, có thể kỳ vọng tháng 9 thị trường sẽ được nâng hạng.

"Việt Nam sớm đưa KRX vào hoạt động, có thể ngay trong tháng 5. Khi KRX được áp dụng, các sản phẩm mới được áp dụng cho thị trường rất nhiều và đây là những yếu tố quan trọng cho tiến trình nâng hạng sắp tới", ông Sơn dự báo.

Khối ngoại có thể trở lại khi "cơn bão" thuế quan qua đi

Về áp lực bán ròng của khối ngoại, chuyên gia VPBankS nhận định sẽ ảnh hưởng lớn trong ngắn hạn, nhưng không quá rủi ro vì không dàn trải. Sau giai đoạn bán ròng mạnh mẽ năm 2024, đà bán ròng đầu 2025 cũng chịu ảnh hưởng chung từ xu hướng trên thị trường mới nổi và cận biện.

Sau giai đoạn ông Trump điều chỉnh chính sách thuế quan, USD cũng có biến động rất mạnh, chỉ số DXY lên tới 108 – 109. Mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt trong giai đoạn đầu năm mới, nhưng DXY vẫn duy trì trên 108, khiến dòng vốn bị rút ra khỏi một số thị trường khu vực mới nổi và cận biên và xu hướng này ảnh hưởng phần nào tới Việt Nam.

Giai đoạn đầu năm 2025, khối ngoại vẫn sẽ tiếp tục bán ròng, nhưng sẽ lẻ tẻ hơn. Đồng thời, NĐT cũng đã quá quen với việc bán ròng nên tác động đến tâm lý sẽ không còn quá lớn. Khi "cơn bão" thuế quan giảm dần và qua đi, xu hướng mua ròng có thể quay trở lại.

"Khi NĐT nhìn nhận cơ hội đầu tư cụ thể, xu hướng bán ròng sẽ chỉ còn là yếu tố để tham khảo. Bởi thực chất, trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều cổ phiếu thậm chí không bị ảnh hưởng mà còn hưởng lợi từ thuế quan, chẳng hạn như nhóm khoáng sản, đầu tư công", ông Trần Hoàng Sơn nhận định.