Việc sử dụng người lao động đã nghỉ hưu là hoàn toàn hợp pháp nếu tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: khi ký hợp đồng lao động với người đang hưởng lương hưu, doanh nghiệp có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hay không? Và khoản chi này có được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN)?
Doanh nghiệp có được ký hợp đồng với người đã nghỉ hưu?
Theo Bộ luật Lao động 2019, người lao động tiếp tục làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu được xếp vào nhóm người lao động cao tuổi. Cụ thể, Điều 148 quy định:
Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời gian làm việc hoặc làm việc không trọn thời gian.
Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe.
Điều 149 cũng cho phép doanh nghiệp ký nhiều lần hợp đồng xác định thời hạn với người lao động cao tuổi. Trong thời gian làm việc, họ được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định, ngoài khoản lương hưu đang hưởng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp không được phân công người lao động cao tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trừ khi đảm bảo điều kiện làm việc an toàn. Đồng thời, phải quan tâm chăm sóc sức khỏe của họ tại nơi làm việc.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (hiệu lực từ 1/7/2025), người đang hưởng lương hưu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Cụ thể, khoản 7 Điều 2 nêu rõ:
“Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng… không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc”.
Ngoài ra, Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định:
“Người sử dụng lao động phải chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cùng kỳ trả lương cho người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm bắt buộc”.
Tóm lại: Doanh nghiệp không phải đóng BHXH cho người đã nghỉ hưu nhưng phải chi trả thêm một khoản tiền tương đương mức đóng bảo hiểm và chuyển khoản này cùng với kỳ trả lương hàng tháng.
![]() |
Doanh nghiệp không phải đóng BHXH cho người đã nghỉ hưu nhưng phải trả thêm khoản tương đương bảo hiểm và khoản này không được trừ thuế TNCN. |
Khoản tiền đóng BHXH có được khấu trừ thuế TNCN?
Vấn đề được nhiều doanh nghiệp và người lao động quan tâm là: Khoản tiền chi trả tương đương BHXH này có được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân?
Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, được sửa đổi bởi Thông tư 92/2015/TT-BTC, các khoản được giảm trừ thu nhập chịu thuế TNCN gồm:
Bảo hiểm xã hộiBảo hiểm y tếBảo hiểm thất nghiệpBảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộcNhư vậy, khoản tiền người lao động trực tiếp đóng BHXH (nếu có) sẽ được trừ khỏi thu nhập chịu thuế TNCN. Tuy nhiên, đối với người đang hưởng lương hưu – vốn không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, khoản tiền doanh nghiệp chi thêm không được coi là khoản "đóng bảo hiểm", mà là thu nhập bổ sung, do đó không được giảm trừ thuế TNCN.
Doanh nghiệp hoàn toàn được ký hợp đồng lao động với người đã nghỉ hưu, nhưng không phải đóng BHXH bắt buộc. Thay vào đó, cần chi trả khoản tiền tương đương mức đóng bảo hiểm cùng kỳ lương. Khoản chi này không được khấu trừ khi tính thuế TNCN, vì người lao động đã nghỉ hưu không còn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
>> Từ 1/7, những đối tượng nào phải tham gia BHXH bắt buộc?