Chanh leo, dứa, chuối và dừa có thể thành cây tỷ USD
Tại Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa”, sáng 18/7, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, quy mô thị trường toàn cầu với dứa đã đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2024 và tiếp tục tăng trưởng kép 6,3%/năm. Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tới 50% nhu cầu tiêu thụ, cho thấy tiềm năng xuất khẩu rất lớn của loại quả này.
Trong khi đó, dứa Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, điển hình như sản phẩm nước dứa cô đặc của DOVECO đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia. Thậm chí, một số sản phẩm đã vượt qua các mặt hàng từ Mỹ và châu Âu, khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của dứa Việt trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt đầu ra và đạt quy mô tỷ USD, ngành dứa phải có chiến lược rõ ràng và bài bản. Việc mở rộng vùng nguyên liệu, cải tiến giống, áp dụng công nghệ kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng là hết sức cần thiết.
Với quả chuối, ông Phạm Quốc Liêm - Chủ tịch Unifarm, cho biết, năm 2024 chuối mang về cho Việt Nam 378 triệu USD từ xuất khẩu. Tuy nhiên, thu nhập bình quân mới đạt khoảng 2.400 USD/ha, một mức chưa tương xứng với tiềm năng.
Không chỉ dừng ở con số vài trăm triệu USD, chuối Việt Nam có thể vươn lên đạt giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị sản xuất phải đạt ít nhất 20.000 USD/ha, gấp gần 10 lần hiện nay.
Mục tiêu này không dễ, nhưng ông Liêm cho rằng hoàn toàn khả thi nếu toàn ngành cùng hướng đến sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và duy trì được chất lượng đồng đều.
Nói về quả chanh dây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods, cho biết, từ con số 0 cách đây 10 năm, ngành chanh dây đã tạo ra giá trị kinh tế đáng kể. Mảng cô đặc và puree cán mốc 300 triệu USD, cả quả tươi có thể đạt hơn 500 triệu USD trong năm nay.
Ông nhấn mạnh loại quả này có thể cán mốc 1 tỷ USD nếu quy hoạch tốt và mở rộng được thị trường Trung Quốc.
Theo ông, chanh dây là cây công nghiệp ngắn ngày, chỉ mất 6 tháng từ khi trồng đến thu hoạch, với vòng đời kinh tế 18 tháng. Năng suất chanh dây Việt Nam vượt trội, đạt 40-60 tấn/ha, gấp đôi so với Nam Mỹ. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh lớn về chi phí sản xuất khoảng 20.000 đồng/kg quả và giá xuất khẩu 60.000-70.000 đồng/kg. Riêng chanh dây ngọt của Nafoods có thể bán tại vườn với giá 80.000-100.000 đồng/kg và lên tới 230.000 đồng/kg tại siêu thị.
Qua đó cho thấy tiềm năng kinh tế rất lớn, mỗi 1ha chanh dây có thể mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ đồng cho nông dân.
Xây dựng mạng lưới nông dân “sống chết cùng doanh nghiệp”
Để khai thác được các “mỏ vàng” tỷ USD, đồng thời khắc phục được tình trạng phá vỡ hợp đồng và nâng cao năng lực xuất khẩu trái cây, TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, cho rằng, mô hình hợp tác xã (HTX) chính là điểm tựa then chốt.
“Doanh nghiệp phải liên kết thông qua HTX để quản lý mã vùng trồng, tổ chức vùng nguyên liệu và kiểm soát sản lượng. HTX không chỉ là đầu mối kỹ thuật mà còn là đối tác chiến lược về logistics và chất lượng sản phẩm”, ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cảnh báo, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt, mô hình liên kết 4 nhà sẽ dễ tan vỡ khi giá nông sản biến động. Ông dẫn chứng bài học mất 200 tỷ đồng của Nafoods sau 7 năm đầu tư vào cây dứa, khi nông dân phá hợp đồng bán ra ngoài với lý do quả to được giá hơn.

Để khắc phục, Nafoods đã áp dụng quản lý số hóa toàn bộ 5.000ha vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên, ký hợp đồng giá sàn với điều khoản ràng buộc rõ ràng và hạn mức thu mua trên mỗi 1ha. Doanh nghiệp cũng chủ động hủy hợp đồng với những hộ vi phạm, từ đó xây dựng được mạng lưới nông dân “sống chết cùng doanh nghiệp”.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam khẳng định, chanh leo, dứa, dừa và chuối là những mặt hàng Việt Nam có năng lực sản xuất, có lợi thế cạnh tranh và nhu cầu thị trường ngày càng lớn.
Tuy nhiên, ông thừa nhận, nhiều năm nay chúng ta vẫn loay hoay chưa khai thác được tiềm năng cũng như phát huy được hết năng lực sản xuất.
“Hiện mới chỉ có dừa đạt kim ngạch xuất khẩu 1,1 tỷ USD trong năm 2024. Chuối và chanh leo lần lượt dừng ở con số 380 triệu USD và hơn 222 triệu USD, dứa thì vỏn vẹn 50 triệu USD”, Thứ trưởng Nam nói. Điều này cho thấy, còn rất nhiều việc phải làm để đưa những mặt hàng này lên tầm tỷ USD, có thể vào năm 2026-2027.
Từ đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi mở cần một "cuộc cách mạng công nghệ" cho 4 mặt hàng trái cây chủ lực này. Để làm được, Thứ trưởng nhấn mạnh cần làm tốt khâu giống. Bởi, "vùng nguyên liệu là yếu tố then chốt để truy xuất nguồn gốc và tiếp cận các thị trường khó tính”, Thứ trưởng Nam nói.
Ông cũng lưu ý doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với HTX để xây dựng mô hình liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra. Việc cung cấp giống, phân bón đến bao tiêu sản phẩm không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
>> Trái cây đồng loạt rớt giá, người mua vui vì rẻ nhà vườn rầu vì lỗ