Hàu nhập lậu giá rẻ ‘tấn công’ Quảng Ninh

Hàng tấn hàu lậu qua mặt’ thị trường

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, lực lượng chức năng tại Quảng Ninh đã phát hiện và xử lý hàng loạt vụ vận chuyển trái phép thủy sản, trong đó nổi bật là các lô hàu sữa không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc. Hình thức nhập lậu không mới, song thủ đoạn ngày càng tinh vi, từ đường biển đến đường bộ, với phương tiện chủ yếu là bè mảng, xe tải hoán cải hoặc container trá hình.

1000022439.jpgBộ đội Biên phòng Trà Cổ bắt giữ 4 tấn hàu nhập lậu từ Trung Quốc bằng đường biển.

Vụ việc gần đây nhất xảy ra chiều 14/7 tại vùng biển Tràng Vĩ, phường Móng Cái 1. Đồn Biên phòng Trà Cổ phối hợp với Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) phát hiện một bè mảng thép - xốp không biển kiểm soát, do Lý Văn Xuân (SN 1990, trú tại Móng Cái) điều khiển, đang chở 100 sọt hàu sữa, tổng trọng lượng 4 tấn. Đáng chú ý, toàn bộ số hàu này được Xuân khai nhận mua từ một người đàn ông Trung Quốc, vận chuyển về nội địa nhằm bán kiếm lời mà không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp.

Trước đó, trong hai ngày 28 và 29/6, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cũng đã thu giữ gần 17 tấn ngao, hàu không rõ nguồn gốc được vận chuyển bằng xe tải vào địa bàn tỉnh. Các đối tượng khai nhận mua gom tại khu vực giáp biên rồi tìm cách tuồn sâu vào nội địa.

1000022433.jpgLực lượng Quản lý thị trường ngăn chặn vụ vận chuyển hàu nhập lậu bằng xe tải vào nội địa.

Đáng nói, loại hàu Trung Quốc đang được bán tràn lan trên thị trường có đặc điểm dễ nhận biết: vỏ ngoài có màu vàng nhạt đặc trưng, kích thước đồng đều từ 4-10 con/kg, thịt dày, béo. Đây chính là điểm thu hút các nhà hàng và quán ăn do dễ chế biến, trình bày đẹp mắt và giá thành rẻ hơn từ 30-50% so với hàu nội địa.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, loại hàu này có một điểm yếu lớn: dễ chết nếu không được bảo quản đúng cách. Trước đây, do nghi có sử dụng hóa chất bảo quản, hàu nhập lậu có thể để lâu mà không bốc mùi. Nhưng trong thời gian gần đây, khi bị siết kiểm tra gắt gao, một số lô hàng không còn dùng chất bảo quản, khiến hàu nhanh chết, có nguy cơ phân hủy, gây mất an toàn thực phẩm nếu không tiêu thụ kịp.

Một chủ nhà hàng hải sản tại phường Bãi Cháy cho biết: “Hàu Trung Quốc nhìn thì bắt mắt, đồng đều, lại dễ sơ chế, nhưng nếu để quá 2 ngày là bắt đầu có mùi. Nhiều đơn vị nhập với giá chỉ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Nhưng cá nhân tôi thì không dùng, vì không kiểm soát được chất lượng.”

Chị Nguyễn Thị Hương, ở phường Hạ Long, chia sẻ: “Tôi từng mua hàu online về ăn lẩu, thấy to, vỏ vàng đẹp. Nhưng đến lúc mở ra thì có con đã chết, có mùi tanh, không dám ăn nữa. Sau đó mới biết là hàu Trung Quốc. Từ đó tôi chỉ mua hàng ghi rõ nguồn gốc từ Vân Đồn hoặc Quảng Yên.”

1000022437.jpgContainer chở hàu từ Trung Quốc trả hàng cho các đầu mối tại Quảng Ninh.

Việc thủy sản ngoại tràn vào với giá rẻ, hình thức đẹp đang đẩy người nuôi trong nước vào thế yếu. Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ một bè nuôi hàu tại đặc khu Vân Đồn than thở: “Từ đầu tháng 6 đến nay, thương lái mua chậm, giá tụt mạnh, có thời điểm xuống còn 18.000 đồng/kg mà vẫn không bán được. Trong khi đó, các nhà hàng chuyển sang dùng hàu Trung Quốc vì lời nhiều hơn.”

Không chỉ bị cạnh tranh về giá, sản phẩm hàu nuôi tại Quảng Ninh cũng chịu ảnh hưởng về uy tín thương hiệu. Sự trà trộn giữa hàng nội và hàng lậu khiến người tiêu dùng khó phân biệt, kéo theo tâm lý nghi ngại, giảm tiêu thụ trên diện rộng.

Siết chặt biên giới, bảo vệ sản xuất trong nước

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu thủy sản, đặc biệt là hàu và ngao từ Trung Quốc, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, giao các đơn vị chủ công như Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan... cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuần tra, giám sát tuyến biên giới đường bộ, đường biển và các đầu mối tập kết hàng hóa.

1000022435.jpgHàu Trung Quốc dễ nhận biết vì to, có vỏ màu vàng nhạt và giá thành rẻ hơn từ 30-50% so với hàu nội địa.

Thực hiện Công điện 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ, trong vòng một tháng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra và xử lý 176 vụ vi phạm, thu giữ và tiêu hủy hơn 5,6 triệu con ngao giống, 47 tấn thực phẩm đông lạnh, xử phạt gần 6,9 tỷ đồng.

Các lô hàng vi phạm đều bị tiêu hủy theo quy trình tại Nhà máy xử lý chất thải rắn. Đối với các vụ có dấu hiệu hình sự, hồ sơ được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo pháp luật.

Lực lượng chức năng cũng tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng biên, hộ kinh doanh và chủ phương tiện vận tải. Các đội QLTT địa bàn được chỉ đạo giám sát nghiêm các kho hàng, điểm tập kết, chợ đầu mối và ứng dụng công nghệ trong giám sát, truy xuất nguồn gốc.

1000022438.jpgCác lô hàng vi phạm đều bị tiêu hủy theo quy trình tại Nhà máy xử lý chất thải rắn.

Đại diện Đồn Biên phòng Trà Cổ khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra khép kín, giám sát chặt các khu vực giáp ranh và kiên quyết không để bất kỳ lô hàng nào không rõ nguồn gốc xâm nhập vào nội địa mà không bị phát hiện”.

Trong bối cảnh thủy sản lậu giá rẻ gây áp lực ngày một lớn lên người nuôi trong nước, đặc biệt là tại các vùng trọng điểm như Quảng Ninh, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh các biện pháp hành chính, cần có thêm chính sách hỗ trợ sản xuất, quảng bá thương hiệu hàu Quảng Ninh, nâng cao nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, việc xây dựng một hệ thống phân phối hàu chính ngạch, có chứng nhận nguồn gốc rõ ràng, sẽ giúp người tiêu dùng an tâm và tạo “hàng rào mềm” ngăn chặn hàng nhập lậu len lỏi vào thị trường.

>> Chưa từng có: Người dân La Phù tự nguyện giao nộp 25 tấn hàng giả, hàng kém chất lượng để tiêu hủy