Khởi nguồn từ 2 cửa hàng, phanh phui đường dây thuốc giả 36 tỷ: Thành phần rẻ bèo nhưng ‘cộp mác’ 4.500 hộp thuốc cao cấp

Sau hai tháng điều tra, tháng 10/2022, Công an khu công nghệ cao phối hợp với Công an quận Xuyết Đao (TP Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc) đã triệt phá thành công một đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả quy mô lớn.

Chiến dịch bắt giữ 9 nghi phạm, thu giữ hơn 4.500 hộp sản phẩm thuốc giả và hơn 50.000 viên nguyên liệu, với tổng trị giá vượt 10 triệu NDT (khoảng 36 tỷ đồng).

Lần theo dấu vết từ hai cửa hàng đáng ngờ

Vụ việc bắt đầu từ tháng 7/2022, khi lực lượng chức năng quận Xuyết Đao phát hiện hai cửa hàng bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe có dấu hiệu kinh doanh hàng giả, nhiều loại mang tên gần giống hàng nhập khẩu.

Ngay trong đêm 19/7, cảnh sát phối hợp với lực lượng quản lý thị trường bất ngờ kiểm tra, thu giữ khoảng 2.800 sản phẩm thuốc giả thuộc hơn 40 chủng loại và bắt giữ hai nghi phạm họ Viên và Ngô.

Qua thẩm vấn, cả hai khai nhận đã thu mua số thuốc trôi nổi với giá rẻ để bán kiếm lời. Kết quả giám định cho thấy toàn bộ số hàng bị thu giữ đều là giả, không đạt tiêu chuẩn lưu hành.

Từ lời khai ban đầu, lực lượng chức năng xác định đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và lập chuyên án mở rộng điều tra. Lần theo các mối quan hệ, công an phát hiện Viên và Ngô lấy hàng từ ba đối tượng họ Lý, Nhạc và Trương.

Khởi nguồn từ 2 cửa hàng, phanh phui đường dây thuốc giả 36 tỷ: Thành phần rẻ bèo nhưng ‘cộp mác’ 4.500 hộp thuốc cao cấp
Đường dây thuốc giả ước tính lên tới 36 tỷ đồng bị "phanh phui" từ 2 cửa hàng đáng nghi vấn. Ảnh: Tổng hợp

Ngày 2/8, cảnh sát đột kích nơi ở của Lý và Nhạc tại quận Hoàng Bì (TP Vũ Hán), bắt giữ cả hai khi đang chuẩn bị giao hàng. Tang vật là gần 50.000 viên nguyên liệu sản xuất thuốc giả. Theo lời khai, từ năm 2019, hai đối tượng này đã tự mua nguyên liệu, tự đóng gói, sau đó nhờ một người bạn – họ Nghiêm, làm trong công ty chuyển phát nhanh – phân phối rộng khắp Trung Quốc.

>> Nước ta có diện tích trồng thuộc top 30 thế giới vẫn chi tiền tỷ để nhập loại mặt hàng này từ Lào về với giá siêu rẻ

Ngay sau đó, nghi phạm họ Nghiêm bị bắt tại quận Giang Hán, Vũ Hán, cùng với hơn 50 đơn hàng giả đang chuẩn bị giao. Hai ngày sau, mắt xích còn lại trong chuỗi phân phối – đối tượng họ Trương – cũng bị bắt giữ tại quận Đông Tây Hồ, khi đang chuẩn bị chuyển 160 gói thuốc giả, phần lớn được rao bán trên nền tảng WeChat.

Thủ đoạn tinh vi: từ tinh bột đến “thuốc ngoại nhập” giá cao ngất

Tiếp tục điều tra, cơ quan công an xác định được hai kẻ cầm đầu đường dây: họ Vương và họ Trương. Đến chiều 8/9, hai đối tượng bị bắt giữ tại quận Đông Tây Hồ (TP Vũ Hán) và quận Ngạc Thành (TP Ngạc Châu).

Theo khai nhận, “thuốc” được làm từ tinh bột và glucose, sau đó nén thành viên hoặc đóng vào vỏ nang, gói bằng bao bì bắt mắt và bán ra thị trường. Mỗi viên thuốc giả có giá gốc chỉ 0,05 NDT (chưa tới 3.000 đồng), nhưng qua nhiều tầng trung gian, được đẩy giá lên tới 50–80 NDT/viên (gần 300.000 đồng). Các sản phẩm này được phân phối đến hơn 10 thành phố, trong đó có Hồ Bắc và Hồ Nam.

Khởi nguồn từ 2 cửa hàng, phanh phui đường dây thuốc giả 36 tỷ: Thành phần rẻ bèo nhưng ‘cộp mác’ 4.500 hộp thuốc cao cấp
Thủ đoạn tinh vi: từ tinh bột đến “thuốc ngoại nhập” giá cao ngất. Ảnh: The Paper

Tất cả các đối tượng liên quan sau đó đã bị truy tố và xử lý theo quy định pháp luật Trung Quốc.

Công an Trung Quốc cảnh báo người tiêu dùng không nên mua và sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là qua mạng xã hội hoặc các cửa hàng thiếu kiểm định.

Hành vi này không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn vô tình tiếp tay cho các đường dây sản xuất hàng giả. Người dân cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép lưu hành và phân phối qua các kênh chính thống để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

>> Xe chạy xăng, dầu diesel bị quá niên hạn sẽ bị tịch thu, tháo dỡ hoàn toàn thành phế liệu: Ước tính lên tới 620.000 ô tô, xe máy trong 'tầm ngắm'