Khi nào bỏ room tín dụng?

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đổi mới điều hành, có lộ trình giảm dần và tiến tới bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo các chuyên gia, việc bỏ room (hạn mức) tín dụng là cần thiết bởi trong bối cảnh nhu cầu tín dụng cao, room tín dụng như rào cản và tạo cơ chế “xin - cho”...

Room tín dụng : Chiếc áo quá chật

Mới đây, tại cuộc họp của Thủ tướng với ngành ngân hàng , Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ đổi mới biện pháp điều hành và có lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.

Năm nay, room tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng khoảng 16%, tăng 0,92% so với thực hiện 2024.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trước mắt room tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng thêm cho các nhà băng trên cơ sở thực tế, thay vì cần văn bản đề nghị từ các tổ chức tín dụng.

Kể từ năm 2011 đến nay Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cấp room tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Lý giải việc quản lý bằng room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước áp dụng việc xét room tín dụng, bình quân tăng trưởng tín dụng lên tới 30%, có năm tăng 53,8%. Mức độ tăng trưởng lớn như vậy vượt rất xa khả năng quản trị của các ngân hàng thương mại, vượt xa khả năng cân đối vốn của các ngân hàng thương mại. Vì vậy dẫn đến hệ lụy lớn là mất khả năng thanh toán.

Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ room tín dụng với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các tổ chức tín dụng còn lại, cơ quan này rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này.

Khi nào bỏ room tín dụng?- Ảnh 1.

Việc bỏ room tín dụng khiến ngân hàng chủ động hơn trong việc tăng trưởng tín dụng.

Một lãnh đạo ngân hàng trong nhóm Big 4 cho rằng, việc bãi bỏ room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh. Năm 2024, bức tranh tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Có những ngân hàng tăng vượt mức trung bình toàn ngành nhưng có những ngân hàng tăng trưởng rất thấp.

Vị này đánh giá, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần "nới" room tín dụng cho các ngân hàng. Việc mở rộng room tín dụng thể hiện rõ quyết tâm và sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, nhằm phân bổ nguồn vốn một cách hợp lý và hiệu quả nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Dễ tạo cơ chế " xin - cho "

Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới - cho rằng: “Không có nước nào trên thế giới quản lý ngân hàng bằng room tín dụng mà chỉ quản bằng lãi suất. Việc bỏ room tín dụng nên làm sớm”.

Theo ông Lược, khi nền kinh tế dần phục hồi và nhu cầu tín dụng tăng cao, room tín dụng bắt đầu trở thành rào cản cho sự phát triển của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại phản ánh rằng, họ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn do đã gần chạm đến mức room tín dụng được phân bổ, dù nhu cầu tín dụng là hợp lý và có tính khả thi cao. Như vậy, việc quản room tín dụng vô tình tạo cơ chế “xin - cho”.

"Bỏ room tín dụng có thể giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ phát triển nền kinh tế, nhưng điều này cũng cần đi đôi với các biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả để tránh những hệ lụy tiêu cực như trong quá khứ. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra lộ trình hợp lý để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mà còn bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính", ông Lược nói.

Theo số liệu tổng hợp từ 26 ngân hàng về kết quả hoạt động năm 2024, tổng lượng vốn cung ứng ra thị trường là hơn 13,026 triệu tỷ đồng. Nhóm “Big 4” lần lượt xếp ở các vị trí đầu tiên về lượng cho vay khách hàng.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, MB và VPBank có quy mô cho vay khách hàng cao nhất. Trong top 10 ngân hàng có số dư cho vay lớn nhất còn có Techcombank, ACB, Sacombank và SHB. Ở chiều ngược lại, ABBank, Saigonbank và Bac A Bank là 3 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong năm qua. Đặc biệt, ABBank chỉ đạt mức tăng trưởng 0,64% trong khi hai ngân hàng còn lại đạt trên 9%.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2024, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08% so với cuối năm 2023, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.